Thị trường chứng khoán biến động mạnh trong phiên giao dịch 5-3 – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sàn treo bảng giao dịch sáng chiều nhưng phiên chiều xem như kẹt cứng “chẳng mua bán gì được”!
Với lý do hạn chế áp lực nghẽn hệ thống, sàn HOSE dự kiến tiếp tục nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu, sau khi nâng từ 10 lên 100 cổ phiếu từ ngày 4-1, gây nhiều bức xúc trong dư luận nhà đầu tư (NĐT) vì họ bị thiệt đủ đường.
Các công ty niêm yết không yên tâm trước viễn cảnh NĐT sẽ ít đi. Công ty chứng khoán (CK) mất cơ hội thu phí. Vẫn chưa biết HOSE giải bài toán nghẽn lệnh này ra sao!?
“Lô lớn”, thiệt đủ đường
Giữa tháng 2-2021, khi thông tin về CK “nóng” trên các phương tiện truyền thông, chị Nguyễn Thu Nga, một giáo viên tại quận Bình Thạnh (TP.HCM), đã liên hệ và mở tài khoản rồi nộp vào 25 triệu đồng.
Trong những lần đầu giao dịch, theo tư vấn của nhân viên công ty CK, chị Nga nhiều lần thử đặt lệnh mua cổ phiếu một công ty thép trên sàn HOSE nhưng không thành công.
Sau khi liên hệ, chị Nga được nhân viên tư vấn của công ty CK thông báo do hệ thống gặp sự cố. “Lần đầu giao dịch mà gặp cảnh này, tôi cảm giác làm ăn không suôn sẻ. Mấy ngày nay nghe nói lô giao dịch tối thiểu tại HOSE sẽ được nâng lên 1.000 cổ phiếu, tôi càng nản. Chỉ gom góp được ít để mua CK, sao thấy khó quá, chẳng lẽ nhiều tiền mới được mua CK?”, chị Thu Nga nói.
Tương tự, anh Hoàng – NĐT vừa mở tài khoản – cho biết đã đầu tư số tiền 20 triệu đồng trong tài khoản vào 4 mã CK, mỗi mã CK chỉ khoảng 5 triệu đồng.
“Nếu tăng lô giao dịch lên 1.000 CK, tôi không thể mua được bất kỳ mã CK nào trong danh mục đang sở hữu. Đến lúc đó, nếu không tích cóp được nhiều tiền hơn, tôi không có cơ hội tham gia thị trường này nữa”, anh Hoàng nói.
Trong khi đó, NĐT Trần Thanh Phú cho biết trong tài khoản CK của anh đang có rất nhiều lô 50 cổ phiếu, chủ yếu là cổ phiếu thưởng, trong đó có những cổ phiếu tăng giá hơn 110%.
Tuy nhiên, sau khi có quy định nâng từ lô 10 lên lô 100 cổ phiếu từ ngày 4-1, anh Phú không thể bán số cổ phiếu này trên sàn, mà phải chờ công ty CK mua với giá thấp hơn, chưa kể phí.
“Nếu tới đây sàn HOSE nâng lên lô 1.000 cổ phiếu, số cổ phiếu lẻ trong danh mục CK của nhiều NĐT, trong đó có tôi, sẽ tăng lên rất nhiều, bởi dù có đến… 999 cổ phiếu trong tài khoản cũng chỉ là lô lẻ, không đạt mức tối thiểu để bán qua sàn.
Rõ ràng, NĐT nhỏ đang bị HOSE coi thường, đối xử không sòng phẳng, dù sự sôi động của thị trường CK thời gian gần đây có sự đóng góp rất lớn của những NĐT nhỏ, các NĐT F0″, anh Phú bức xúc.
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán – Ảnh: B.MAI
Nhiều tiền mới được “chơi” chứng khoán?
Theo số liệu mới nhất từ Trung tâm Lưu ký CK Việt Nam (VSD) vừa được công bố vào chiều 5-3, đến cuối tháng 2-2021, số tài khoản giao dịch CK của NĐT trong nước đạt gần 2,88 triệu tài khoản, trong đó NĐT cá nhân chiếm tới gần 2,87 triệu tài khoản (99,6%), số lượng tài khoản NĐT tổ chức trong nước chiếm chưa tới 0,4% tổng số tài khoản CK của NĐT trong nước.
Nhờ dòng tiền dồi dào của lực lượng “lính mới” đổ vào thị trường CK, thanh khoản trung bình phiên của sàn HOSE năm 2020 đã tăng vọt 52,41% so với năm trước. Từ cuối năm 2020 đến nay, nhiều giao dịch tại sàn HOSE đạt giá trị từ 10.000 – 16.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia CK, nếu việc nâng lô tối thiểu lên 1.000 CK được áp dụng, các NĐT nhỏ lẻ sẽ bị loại ra khỏi thị trường CK, CK Việt chỉ còn là nơi “tung hoành” của người nhiều tiền.
Trong thực tế, hơn 60 doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE đã chiếm khoảng 54% vốn hóa thị trường.
Trong đó, hơn 10 cổ phiếu có thị giá từ 100.000 – 200.000 đồng/cổ phiếu như SAB, VJC, VNM, MWG, VIC… cùng hơn 50 cổ phiếu có thị giá từ 50.000 – 100.000 đồng/cổ phiếu như PNJ, PLX, VHM… Đây đều là cổ phiếu của những doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh tốt.
Do đó, nếu nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 CK, NĐT phải có hơn 50 đến 100 triệu đồng trong tài khoản mới có thể mua được một lô cổ phiếu của các doanh nghiệp trong nhóm này, thay vì chỉ cần từ 5 triệu đồng như hiện nay.
“Khi bị loại khỏi thị trường CK, không loại trừ khả năng dòng tiền nhàn rỗi sẽ tìm đến các nền tảng giao dịch không an toàn, chưa được pháp luật công nhận như tiền mã hóa, ngoại hối (forex), CK quốc tế…”, một chuyên gia CK cảnh báo.
Lãnh đạo một công ty CK cho biết hơn 90% giao dịch hằng ngày tại công ty CK này đến từ NĐT cá nhân, trong đó nhiều chủ tài khoản chỉ có số vốn từ 5-7 triệu đồng trở lên.
Nếu nâng lên lô 1.000, những NĐT này hoặc phải rời khỏi thị trường hoặc “đâm đầu” vào mua cổ phiếu “rác” của những doanh nghiệp làm ăn bết bát.
“Điều này sẽ ảnh hưởng đến cổ phiếu của doanh nghiệp làm ăn bài bản được định giá cao, vì dòng tiền lúc đó sẽ không chạy vào nhiều, giảm thanh khoản và rớt giá. Ngược lại, các cổ phiếu “rác” thắng thế vì thu hút dòng tiền lớn của NĐT nhỏ lẻ”, vị này cảnh báo.
Nâng lô giao dịch là “vô trách nhiệm”
Trước đó, theo một lãnh đạo HOSE, việc nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu là một trong những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng nghẽn lệnh trên hệ thống giao dịch của HOSE, do số lượng lệnh giao dịch mỗi phiên khá lớn trong khi hệ thống này chỉ xử lý được 900.000 lệnh mỗi phiên.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đây là lý do không thuyết phục, việc nghẽn lệnh là do lỗi của HOSE chưa đầu tư đúng mức cho hệ thống giao dịch.
Bởi ngay từ năm 2013, hệ thống giao dịch tại sàn CK Hà Nội (HNX) đã được nâng cấp, với khả năng xử lý từ 20-30 triệu lệnh/phiên, gấp 20-30 lần khả năng xử lý của hệ thống tại HOSE.
“Với việc quy tụ các doanh nghiệp hàng đầu thị trường CK, được NĐT trong và ngoài nước ưu ái, sàn HOSE hấp dẫn hơn nhiều so với sàn HNX. Trong nhiều phiên, thanh khoản tại HOSE đạt trên 15.000 tỉ đồng, gấp 8 lần HNX. Vậy nhưng hệ thống xử lý lệnh của HOSE kém hơn nhiều so với HNX là điều rất vô lý”, lãnh đạo một công ty CK bức xúc.
“Vì sao HNX có thể đầu tư một hệ thống có thể đáp ứng khối lượng giao dịch lớn hơn mà HOSE không sớm nâng cấp hệ thống để dẫn đến tình trạng nghẽn mạng hiện nay?” – TS Hồ Quốc Tuấn (giảng viên Đại học Bristol, Anh) nói.
Đồng thời ông Tuấn đưa ra vấn đề rằng HOSE luôn đặt mục tiêu thu hút NĐT, ngành CK cũng đặt mục tiêu tăng số tài khoản, NĐT tham gia giao dịch, nâng hạng thị trường nhưng lại không nâng cấp hệ thống công nghệ sớm hơn để đón đầu mục tiêu đó?
Theo TS Đinh Thế Hiển, tính đến tháng 2-2021, chỉ riêng sàn HOSE đã có giá trị vốn hóa đạt hơn 4,36 triệu tỉ đồng, tương đương 69,37% GDP năm 2020 (GDP theo giá hiện hành).
Dù vậy dường như HOSE chỉ tập trung xây dựng phần cứng là trụ sở rất cao và đẹp, nhưng không coi trọng việc đầu tư vào phần mềm, vốn là linh hồn của sở giao dịch. Và tình trạng nghẽn lệnh đã phơi bày việc thiếu tầm nhìn, không đầu tư đúng mức này.
Do đó, ông Hiển cho rằng không thể đổ tình trạng yếu kém của hệ thống kỹ thuật là do chuyện đã rồi và việc đưa ra giải pháp nâng lô lên 1.000 cổ phiếu là vô trách nhiệm, bởi CK không thể chỉ là nơi của người nhiều tiền.
“Hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng Internet quốc gia ngày càng mạnh, người dân có nhu cầu đầu tư vào thị trường CK ngày càng lớn, nhưng phần mềm giao dịch của HOSE yếu kém là không thể chấp nhận được, cần phải nâng cấp càng sớm càng tốt”, ông Hiển nói.
NĐT mất tiền oan do hệ thống chập chờn
Từ cuối năm 2020 đến nay, sàn HOSE thường xuyên diễn ra cảnh chỉ giao dịch được vài giờ vào buổi sáng, rồi bắt đầu nghẽn mạch hoặc chập chờn cho đến cuối phiên chiều, ngay cả với phiên có khối lượng giao dịch không lớn.
Chẳng hạn, trong phiên ngày 4-3, từ 10h30 thanh khoản của thị trường vào khoảng 7.000 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với khả năng xử lý của hệ thống, nhưng vẫn xảy ra tình trạng nghẽn lệnh bất thường.
Không chỉ hệ thống giao dịch của sàn HOSE có vấn đề, không ít lần NĐT phản ảnh ứng dụng (app) của một số công ty CK cũng bị treo cứng, không cho bán cổ phiếu khi thị trường giảm điểm.
Tình trạng “tắc đường” của hệ thống giao dịch tại HOSE đẩy thiệt hại lớn cho nhiều NĐT do không thể mua hoặc bán CK ở mức giá tốt như kỳ vọng, chưa kể các công ty CK cũng có thể “mượn gió bẻ măng” để thoát hàng với giá tốt trước, đẩy NĐT nhỏ chịu thiệt bán với giá thấp.
Ngay giải pháp chuyển bớt công ty niêm yết từ sàn TP.HCM ra sàn Hà Nội cũng chưa thể “làm ngay là xong” và chưa giải quyết tận gốc tình trạng nghẽn lệnh, bởi như Ủy ban CK nhà nước thừa nhận, hệ thống xử lý giao dịch của sàn TP.HCM đã quá tải, năng lực của hệ thống giới hạn về số lượng trong ngày giao dịch…
TS Hồ Quốc Tuấn (giảng viên Đại học Bristol, Anh):
Chứng khoán thế giới giảm lô giao dịch tối thiểu
TS Hồ Quốc Tuấn
Việc tăng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu chắc chắn sẽ đẩy nhiều NĐT nhỏ ra khỏi thị trường CK, trong khi ngành CK VN nhiều năm qua vẫn luôn nỗ lực thu hút NĐT nhỏ, dù gặp rất nhiều khó khăn. Lẽ nào HOSE muốn tạo ra cho NĐT nhỏ cảm giác là họ chỉ như những chú bò sữa bị vắt sữa rồi khi không còn chỗ nữa thì đẩy họ đi?
Trong thực tế, xu hướng của các thị trường CK trên thế giới là giảm lô giao dịch tối thiểu về thấp nhất là 1 cổ phiếu.
Chẳng hạn, từ năm 2015, thị trường CK Singapore đã giảm lô từ 1.000 cổ phiếu xuống còn 100 cổ phiếu. Từ tháng 9-2018, thị trường CK Tokyo áp dụng lô 100 cổ phiếu. Thị trường LSE (Anh) cũng giảm từ lô giao dịch tối thiểu là 50 cổ phiếu xuống còn 1 đơn vị kể từ tháng 9-2010.
Đặc biệt, với lý do con số 1 đơn vị cổ phiếu tối thiểu này cũng đã lỗi thời và cần bỏ đi, nhiều nền tảng giao dịch cho NĐT nhỏ cho phép giao dịch chỉ 1/10 cổ phiếu. Chẳng hạn, với giao dịch cổ phiếu có giá cao tới 375.000 USD/cổ phiếu như Berkshire Hathaway hay hơn 3.000 USD/cổ phiếu của Amazon.
Khối ngoại rút ròng hơn 2.818 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán chỉ trong một tuần
- Lên phương án bầu cử trong tình huống dịch COVID-19 bùng phát
- Người bán trứng mắc COVID-19, Hà Nội phong tỏa chợ đầu mối phía Nam
- Khán giả thổn thức khi tình yêu của Nam trong Hương vị tình thân gặp trắc trở
- Sau 2 ngày công bố đường dây nóng về ‘vẽ bệnh, moi tiền’, Sở Y tế TP.HCM nhận được 19 cuộc gọi
- Dấu ấn Việt trong ‘bom tấn’ Mỹ