Thủ tướng: Muốn đất nước vẻ vang phải có những doanh nghiệp lớn, thương hiệu mạnh | Nội Thất Hưng Thịnh Phát
1
Nội Thất Hưng Thịnh Phát Kính Chào! vui lòng để lại lời nhắn để được tư vấn

Thủ tướng: Muốn đất nước vẻ vang phải có những doanh nghiệp lớn, thương hiệu mạnh

Thủ tướng phát biểu khai mạc đối thoại – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sự kiện diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, nơi cách đây 5 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc đối thoại đầu tiên với cộng đồng doanh nghiệp ngay sau khi nhậm chức.

Theo chương trình, sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, trí thức, chuyên gia và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương sẽ phát biểu. Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu kết luận.

Tham dự có các ủy viên Bộ Chính trị: Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, TP.HCM, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các doanh nghiệp…

Phát biểu giới thiệu hội nghị, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Đại hội XIII đã đặt ra các mục tiêu phát triển đến năm 2045; triển khai Nghị quyết Đại hội, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị Đối thoại 2045 nhằm biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nhân và trí thức với các thành tựu của đất nước qua 35 năm đổi mới và nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, đồng thời tiếp tục lắng nghe các ý kiến để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao.

Thủ tướng bắt tay các đại biểu tham dự đối thoại – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Hội nghị nhằm lắng nghe tiếng nói từ giới tinh hoa, từ các trí thức, các doanh nghiệp.

Thủ tướng nhắc lại hai mong muốn lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là thống nhất đất nước và đưa Việt Nam vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu. Hội trường Thống Nhất cũng là địa điểm ghi dấu ấn lịch sử trong việc thực hiện di nguyện thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; năm 2045 cũng là thời điểm kỷ niệm 70 năm ngày thống nhất đất nước và chúng ta cũng có niềm tin vững chắc rằng mong ước của Bác về một Việt Nam vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu cũng sẽ trở thành hiện thực.

Theo Thủ tướng, muốn dân giàu, nước mạnh chúng ta phải chú trọng phát triển quốc kế, dân sinh; muốn vẻ vang, sánh vai với các cường quốc chúng ta phải có những doanh nghiệp lớn mạnh, những thương hiệu có sức cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu.

Chính phủ muốn trao đổi với doanh nghiệp những ý kiến về sách lược, những hiến kế, giải pháp phát triển đất nước trong bối cảnh thế giới và trong nước hiện nay. Đặc biệt trong đó khẳng định khát vọng thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045.

Một lần nữa, Thủ tướng khẳng định sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả trong phát triển. Đặc biệt trong những nhiệm kỳ gần đây, Việt Nam đạt nhiều thành công trên nhiều lĩnh vực.

Trong đó, quy mô nền kinh tế có bước tiến nhanh từ quy mô đứng thứ 55 lên 40 như hiện nay, đời sống nhân dân cải thiện, tuổi thọ của người dân tăng lên sánh vai được với các nước tiên tiến, số học sinh đạt các giải quốc tế đứng hàng đầu khu vực. Niềm tin nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ngày càng củng cố.

Mặt khác, theo Thủ tướng, thành quả thành công còn thể hiện ở việc những tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đặc biệt các tập đoàn tư nhân, kinh tế hợp tác xã đã có những bước phát triển vượt bậc.

“Những vị đang ngồi đây, cách đây 25 năm không nghĩ mình có những bước phát triển vượt bậc thế này. Giờ đây chúng ta có thể nói những tập đoàn, tổng công ty của chúng ta đã đóng vai trò quan trọng trong nước và có vị trí rất quan trọng đối với khu vực và thế giới”, Thủ tướng khẳng định.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu ra những thách thức đối với sự phát triển đất nước sắp tới. Theo Thủ tướng, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn thuộc nhóm trung bình thấp, các yếu tố nền tảng để tăng trưởng nhanh, bền vững chưa bền vững. Quy mô nền kinh tế có tăng lên nhưng tổng quy mô nền kinh tế còn nhỏ so với khu vực và thế giới.

Mặt khác, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra còn chậm, năng lực cạnh tranh của vùng, của quốc gia còn ở mức trung bình. Các yếu tố khác phục vụ cho phát triển chưa được giải quyết cơ bản, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu hụt, năng suất lao động chậm cải tiến, quản trị quốc gia, quản trị các thành phố lớn, quản trị các trường đại học… còn nhiều bất cập.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến các thách thức ngày càng lớn như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên… Trong đó, có có những vấn đề rất nhanh như biến đổi khí hậu cực đoan.

Đối thoại 2045 sẽ được tổ chức định kỳ

Đối thoại sẽ được tổ chức định kỳ, trực tuyến và trực tiếp về nhiều chủ đề khác nhau liên quan tới tầm nhìn về một Việt Nam hùng cường sánh vai với các cường quốc năm châu.

“Cuộc đối thoại còn thiếu vắng nhiều trí thức lớn, nhiều doanh nghiệp, chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức các cuộc đối thoại 2045 hằng năm với sự chủ trì của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, Thủ tướng nói.

Sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng, đại diện các doanh nghiệp phát biểu. Được biết, ước tính sơ bộ, tổng doanh thu của các doanh nghiệp tham dự hội nghị khoảng hơn 26 tỉ USD một năm.

Làm những điều lớn lao cho đất nước, đi đến cùng

Là đại diện doanh nghiệp đầu tiên phát biểu, ông Võ Quang Huệ, một nhà khoa học, một trong những tổng công trình sư của Tổ hợp Vinfast tại Hải Phòng, bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức cuộc đối thoại. Ông nhắc lại tinh thần mạnh mẽ của người dân Việt Nam trong thực hiện mục tiêu kép của Thủ tướng Chính phủ, vừa chống dịch, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Võ Quang Huệ – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhắc lại những khó khăn, khắc nghiệt của thiên nhiên Quảng Nam, quê hương của ông Huệ, ông cho biết, sau khi học ở nước ngoài, ông về làm việc trong nước trong dự án ô tô Vinfast, với mong muốn thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển đột phá, làm ra chiếc ô tô mang thương hiệu Việt. Hiện đã có hơn 40.000 ô tô Vinfast lăn bánh trên đường Việt Nam, chỉ tính hơn 20 tháng kể ra bán từ chiếc xe đầu tiên.

Với tinh thần làm những điều lớn lao cho đất nước, dám nghĩ dám làm, đi đến cùng, sau giai đoạn phát triển đầu tiên, Vinfast đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, vươn tầm quốc tế, nhưng điều này không dễ dàng với nhiều khó khăn, thách thức, cần sự động viên, khuyến khích của Đảng, Nhà nước và người dân Việt Nam. Từ đó, chung tay nâng tầm vị thế doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế, xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng tiêu dùng từ Chính phủ tạo động lực cho phát triển

Ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Công ty Masan, một tập đoàn chỉ trong thời gian rất ngắn đã chiếm vị trí top đầu lĩnh vực tiêu dùng với triết lý Keep Going, cho biết, để hướng tới mục tiêu nền kinh tế năm 2045, Việt Nam đi sau về đích trước, giải pháp nằm ở đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm năng lực cạnh tranh vượt trội.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Công ty Masan – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo ông Quang, hiện nay, nền kinh tế toàn cầu đang hội nhập, vấn đề quan trọng là chuỗi cung ứng, tạo năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng. Xuất khẩu nông sản rất lớn, tuy nhiên hiện nay, hạ tầng của chuỗi cung ứng và phân phối luôn là trở ngại. Tình trạng được mùa nhưng giá thấp, khi giá cao lại không có sản phẩm.

Bên cạnh đó, vấn đề then chốt để đẩy mạnh phát triển nền kinh tế là hạ tầng cung ứng và phân phối. Chi phí công đoạn sản xuất đến tiêu dùng chiếm khoảng 30% giá thành. Nếu giảm thiểu chi phí trong lưu thông hàng hóa, sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, hàng hóa lưu thông tốt hơn, doanh nghiệp có năng lực tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.

Vấn đề thứ hai là nền tảng công nghệ. Nhà nước chuyển đổi từ nền kinh tế, quản lý truyền thống, sang nền kinh tế số hóa.

Và cuối cùng, cần hướng công nghệ gắn đến phát triển xanh và tái tạo năng lượng. Rất cần động lực, định hướng của Chính phủ, như chi ngân sách vào xe điện…

Ông Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng tiêu dùng từ Chính phủ sẽ tạo động lực cho phát triển.

Khát vọng lớn, niềm tin càng lớn

Để tạo ra sự tăng trưởng thần kỳ từ nay đến 2045, nhiều người đang nói đến việc phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân do Chính phủ thành lập khẳng định hơn lúc nào hết đất nước Việt Nam, từng người dân cần chung khát vọng lớn đưa đất nước trở nên hùng cường. Khát vọng không phải trên giấy mà phải chuyển sang doanh nghiệp, sang từng người dân, cùng mơ ước có những phát minh sáng chế cả thế giới cần và sử dụng… 

Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch tập đoàn FPT – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Để có khát vọng đó chúng ta cần một niềm tin lớn của người dân vào Chính phủ, niềm tin của Chính phủ với người dân. Chính phủ tin tưởng vào cộng đồng doanh nghiệp, là bà đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đó là niềm tin Việt Nam trở thành quốc gia tận dụng tốt cơ hội, hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khát vọng lớn, niềm tin càng lớn

Ông Trương Gia Bình đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép các doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Trước đề nghị này, Thủ tướng nhắc lại câu chuyện khi ông sang Nhật Bản thì thấy có 2.000 người Nhật và người Việt làm việc cho FPT về phần mềm. Thủ tướng cho biết, khi sàn chứng khoán TP.HCM trục trặc, ông đã yêu cầu các cơ quan xử lý ngay kiến nghị của FPT, xử lý ngay các trục trặc của sàn giao dịch chứng khoán mà không cần sử dụng ngân sách.

Chính phủ cần tạo ra thể chế minh bạch, sáng suốt

Trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình về đầu tư cho nông nghiệp và triển vọng của doanh nghiệp Việt Nam, bà Thái Hương, chủ tịch TH True Milk cho biết: Việc tổ chức Đối thoại 2045 là cơ hội cho các doanh nghiệp phát biểu, nêu các kiến nghị về phát triển đất nước. Trong vòng 25 năm nữa, trên một nền tảng như hiện tại, những gì là thế mạnh của Việt Nam, bà đặt vấn đề.

Bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo bà, Việt Nam đang phát triển và năm 2045 sẽ là một quốc gia phát triển, văn minh, môi trường được bảo vệ, xã hội an lành. Nền tảng con người phải có trí tuệ với sức khỏe, do đó, phải có ngành nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, với một thế hệ doanh nhân hướng tới phát triển bền vững, các sản phẩm thực phẩm không gây hại cho sức khỏe con người.

Một lợi thế khác của Việt Nam là an ninh chính trị tốt, con người cần cù, hiền hòa, với nhiều đặc sản, nhiều thảo dược ở các vùng…, đây là cơ hội để tạo ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe.

Một hướng đi khác rất tiềm năng là du lịch chữa bệnh, kết hợp đông y và tây y, cùng với du lịch sinh thái, du lịch lịch sử.

Bà Thái Hương cũng kiến nghị đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ; doanh nghiệp phát triển đi theo hướng chia sẻ với người nông dân. Bà Hương bày tỏ mong muốn Chính phủ cần tạo ra một thể chế minh bạch, sáng suốt, tạo bệ đỡ cho các doanh nghiệp phát triển.

Món quà thiết thực từ “Đối thoại 2045”

Phát biểu tại đối thoại, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ tịch Tập đoàn SOVICO và Hãng hàng không Vietjet bày tỏ: “Cuộc tọa đàm mang đến sự khích lệ to lớn về tinh thần trong doanh nhân và nhân sĩ, trí thức chúng tôi”.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Từ năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố tầm nhìn Việt Nam 2045 hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập nước, đặt mục tiêu trở thành một nước phát triển, thu nhập cao. Khát vọng tăng trưởng liên tục và dài hạn này rất thách thức nhưng chúng ta có những nguồn lực, có cơ sở, có động lực để biến khát vọng thành hiện thực”, bà Thảo kiến nghị, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch quốc tế với các dịch vụ đa dạng về giải trí, chăm sóc sức khỏe, ẩm thực, phục vụ mọi đối tượng du khách. 

Chính phủ nên ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hàng hải, logistic… Xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất phụ trợ, đào tạo về dịch vụ hàng không của khu vực và thế giới. Bà Thảo cho biết, Học viện Hàng không Vietjet đầu tư hiện đại bậc nhất trong khu vực, ngay trong khu công nghệ cao quận 9, TP.HCM và “chúng tôi đang gấp rút hoàn thành công trình Công viên công nghệ cao Hi-tech Park, trong đó dành ưu tiên hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ”.

“Chúng tôi mong rằng Chính phủ tin tưởng ở kinh tế tư nhân, ở doanh nghiệp, hãy tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân. Hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp”, bà Thảo nói.

Theo bà Thảo, để hỗ trợ tăng trưởng, rất cần đổi mới tư duy, cần sự quyết liệt, hiệu quả bằng chính sách thống nhất xuyên suốt từ Chính phủ, bộ ngành, địa phương khi đó chúng ta có một quốc gia đổi mới, cải cách để thu hút được các nguồn lực để phát triển tốt. Sự đổi mới cần toàn diện và đồng bộ giữa các ngành, từ kế hoạch đầu tư, tài chính, ngân hàng, bộ chuyên ngành…

Lãnh đạo Vietjet mong muốn Chính phủ kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, giữa các doanh nghiệp với nhau.

Đến 2045, Việt Nam trồng 300.000 ha mắc ca, giá trị xuất khẩu 5 tỉ USD

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cho biết, để cùng đất nước phát triển trong thời gian tới, cũng như hướng tới cột mốc năm 2045, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực, hình thành nhiều ngành nghề mới có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến kinh tế, trong đó có ngành mắc ca.

Theo ông Dương Công Minh, nông sản Việt Nam luôn trong tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, do đó, nông sản cần phải hình thành chuỗi cung ứng khép kín, nhất là nông sản có lợi thế như cây mắc ca.

Theo ông Dương Công Minh, cây mắc ca vừa là cây rừng, cây lâm nghiệp, công nghiệp, môi trường, bởi lượng xử lý CO2 của cây này rất lớn. Cùng với đó, cây mắc ca cũng là cây xóa đói giảm nghèo, cây phục vụ an sinh xã hội và an ninh quốc phòng, bởi cây trồng này mang lại giá trị kinh tế cao cũng như thích hợp trồng ở các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên.

Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Việt Nam cho biết, hiện nay, nguồn lực phát triển cây mắc ca còn rất lớn, với 1 triệu ha có thể trồng ở các tỉnh khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên.

Để hỗ trợ việc phát triển cây mắc ca, riêng Ngân hàng Bưu điện Liên Việt thời gian qua đã có sản phẩm tín dụng cho cây mắc ca, theo chuỗi sản xuất và vòng đời sản phẩm. Theo Chủ tịch Hiệp hội mắc ca, chi phí đầu tư 300 triệu/ha, 5 năm người trồng đã có thu hoạch và hồi vốn. Từ năm thứ 6 thu được 300-500 triệu/ha.

Để phát triển mạnh được cây mắc ca trong thời gian tới, ông Dương Công Minh đề xuất Chính phủ có chính sách đất đai để phát triển, với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trồng được 300.000 ha có giá trị xuất khẩu khoảng 5 tỉ USD.

Hiệp hội mắc ca Việt Nam cũng kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành cùng Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tham gia đầu tư phát triển loại cây mang lại giá trị kinh tế cao là cây mắc ca.

Sau phát biểu của ông Dương Công Minh, Thủ tướng đánh giá cao mục tiêu xuất khẩu 5 tỉ USD, đồng thời hoan nghênh tấm gương lao động của ông Dương Công Minh với việc tài trợ cho nhiều hoạt động có ý nghĩa xã hội.

Ông Vũ Thành Tự Anh, Thành viên Tư vấn tổ kinh tế của Thủ tướng – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Doanh nghiệp, doanh nhân phải thực sự trở thành nguồn lực của quốc gia

Ông Vũ Thành Tự Anh, Thành viên Tư vấn tổ kinh tế của Thủ tướng, cho rằng sức mạnh kinh tế và nội lực quốc gia sẽ quyết định vị thế của chúng ta trên trường quốc tế, an ninh đất nước và tiền đồ dân tộc.

Bất kì quốc gia giàu mạnh nào thì cũng phải có các doanh nhân, các doanh nghiệp hàng đầu và đồng thời phải có các trường đại học lớn nếu muốn ở đứng ở hàng đầu.

Những yêu cầu đó đã thể hiện trong Đối thoại 2045 với sự đồng thuận về nhu cầu cần phải bồi dưỡng, vun đắp và phát triển lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân gắn với giáo dục đào tạo.

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân phải thực sự trở thành nguồn lực của quốc gia. Đến thời điểm này, chúng ta có thể tự hào nói rằng lực lượng doanh nghiệp Việt Nam vô cùng vững chắc, và sẽ đóng vai trò lớn hơn nữa trong 25 năm tới. Bên cạnh đó, chúng ta rất cần phát triển các trường đại học lớn để ươm mầm những nhân tài tương lai”, ông Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh và mong muốn trong những lần tổ chức tiếp theo của “Đối thoại 2045” sẽ có sự tham gia nhiều hơn những đại diện các ngành nghề khác, ngoài kinh tế, góp thêm góc nhìn khác nhau cho sự phát triển toàn diện của đất nước.

Khát vọng và bản lĩnh của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam

Ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch HĐQT TP Bank – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI nhớ lại 5 năm trước, cũng tại Hội trường Thống nhất này, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội và quốc dân đồng bào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc đối thoại, tọa đàm với cộng đồng doanh nghiệp vào đúng dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-2016). Để rồi trong suốt 5 năm của nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng đã miệt mài thực hiện đúng cam kết của mình, đó là xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tại thời điểm năm 2020, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì quy mô nền kinh tế của Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đứng thứ 4 ASEAN và thu nhập bình quân đầu người 3.521 USD, đứng thứ 6 ASEAN.

Như vậy, chúng ta đặt mục tiêu 2025 GDP bình quân đầu người là 4.700 – 5.000 USD và năm 2030 là 7.500 USD, đến năm 2045 Việt Nam sẽ vượt qua mức 12.000 USD để trở thành nước có thu nhập cao.  

Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP liên tục giai đoạn 2020 – 2030 ở mức 6 – 6,5%, giai đoạn 2030 – 2045 ở mức 5,5 – 6%. Và theo tính toán của chúng tôi, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng 6,2 – 6,5% trong năm 2030 – 2045, thu nhập bình quân đầu người là 16.500 USD.

Theo số liệu dự báo của Tổng cục Thống kê thì dân số của Việt Nam 2045 vào khoảng 107,79 triệu người. Như vậy, quy mô nền kinh tế Việt Nam vào năm 2045 vào khoảng 1.778 tỷ USD, tương đương Hàn Quốc vào năm 2018.

Như vậy, để đạt mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao thì cần có sự đổi mới quyết liệt và mạnh mẽ về thể chế, cần có sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ, bứt phá về năng suất chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh và cần có sự trỗi dậy mạnh mẽ kỳ diệu của kinh tế tư nhân.

Đảng và Nhà nước đã đặt kinh tế tư nhân (KTTN) vào đúng vị thế và vai trò của KTTN theo hướng ngày càng tích cực. Đại hội X của Đảng năm 2006 xác định KTTN có vai trò quan trọng, Đại hội XI năm 2011 đánh giá KTTN là một động lực và Đại hội XIII nhìn nhận KTTN là một động lực quan trọng, là một trong 3 trụ cột của cả nền kinh tế cùng với KTNN, kinh tế tập thể, đầu tư nước ngoài.

Cuối năm 2019 theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì KTTN chiếm 42% GDP và đóng góp 30% thu ngân sách, quan trọng hơn nữa là khu vực KTTN đã tạo ra 85% việc làm cho nền kinh tế. Và đến năm 2030 theo dự báo thì KTTN sẽ chiếm 60% GDP trong tỷ trọng nền kinh tế.

Như vậy KTTN, doanh nghiệp tư nhân có sứ mệnh rất quan trọng và trách nhiệm nặng nề trong sự nghiệp phát triển kinh tế thực hiện mục tiêu đến năm 2030 và 2045.

Đối với doanh nghiệp tư nhân, ông Đỗ Minh Phú cho rằng cần chú trọng nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, nhanh chóng áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh và quản lý. Một mặt, tri thức hóa đội ngũ doanh nhân và mặt khác, thương mại hóa các sản phẩm trí tuệ. Đây là cốt lõi của cụm từ đổi mới sáng tạo; Kinh doanh liêm chính; Đề cao và vun đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, có ý chí vươn lên để góp phần xây dựng một quốc gia hùng cường, hưng thịnh

Chủ tịch TPBank kiến nghị cần đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia (Data) để phục vụ chiến lược kinh tế số.

Theo ông Đỗ Minh Phú, trong trào lưu phát triển như vũ bão của Cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống luật pháp của tất cả các quốc gia đều không thể theo kịp bước tiến đó, đặc biệt hệ thống pháp luật của Việt Nam đang chồng chéo, không đồng bộ. 

Đây là lực cản cho việc áp dụng các mô hình kinh tế mới, các công nghệ, kỹ thuật mới làm thay đổi thậm chí đảo lộn trình tự, hình thức và mô hình kinh doanh hiện thời. Ví dụ như kinh tế trí thức, kinh tế chia sẻ trong dịch vụ vận tải, Grab, Uber hay trong cho thuê nhà ở làm khách sạn AirBnB, cho vay ngang hàng P2P.

Vì vậy cần có cơ chế thử nghiệm chính sách (Sandbox) để áp dụng trong phạm vi nhỏ, không gian vừa phải, có thời hạn để rút kinh nghiệm và có trải nghiệm thực tế. Vấn đề này cần có văn bản pháp quy để đưa cơ chế sandbox thực hiện càng nhanh càng tốt.

“Nhiều ý kiến đã nói đến yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách. Những năm qua Chính phủ đặt trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, những năm tới, tôi cho rằng, cần đặt trọng tâm là đổi mới thể chế phân bổ nguồn lực, xây dựng phát triển các thị trường nhân tố sản xuất, đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ”, ông Đỗ Minh Phú chia sẻ và bày tỏ khát vọng xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, sánh vai các cường quốc năm châu hiện nay đang được thổi bùng và lan tỏa trong khắp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc từng là ước mơ cháy bỏng của dân tộc Việt Nam, của người người lớp lớp dân ta suốt hàng nghìn năm, nhưng chưa bao giờ ở gần chúng ta đến thế”.

Phát huy nội lực để đón ngoại lực

Ông Don Lâm – Giám đốc điều hành Công ty Vinacapital Việt Nam – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, cho rằng, hướng tới 2045, chúng ta cần phát huy nội lực để đón ngoại lực phục vụ xây dựng đất nước.

Việc xây tổ đón đại bàng đang là vấn đề lớn cho tất cả các địa phương muốn thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm những sự chuẩn bị về tài nguyên, đất đai, năng lượng, nhân lực, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư lớn, có tâm huyến với Việt Nam.

Theo ông Don Lam, trong các yếu tố chuẩn bị, có 2 yếu tố cần được quan tâm hàng đầu:

Một là yếu tố kết nối giữa hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội giữa các tỉnh, thành phố, giúp hàng hóa lưu thông nhanh, tiết kiệm chi phí. Kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất với các thành phố và khu dân cư vệ tinh để tạo điều kiện sinh hoạt cho đội ngũ chuyên gia và người lao động.

“Tôi tin rằng, liên quan đến yếu tố này, Chính phủ sẽ có những quyết sách có lợi nhất để phát huy thế mạnh, thu hút ‘đại bàng’ cho các tỉnh phía nam thông qua TPHCM cũng như các thành phố đầu tàu kinh tế khác như Hà Nội, Đà Nẵng”, ông Don Lam bày tỏ.

Thứ hai là yếu tố về chỉ số thuận lợi kinh doanh. Đã có rất nhiều thay đổi tích cực về thủ tục đầu tư, giúp rút ngắn đáng kể thời gian hoàn thiện hồ sơ và giúp dòng vốn FDI được lưu chuyển nhanh hơn.

Đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài nói chung và VinaCapital nói riêng khi tham gia đầu tư vào Viêt Nam, rất quan tâm đến môi trường đầu tư, đến quy trình thủ tục hành chính. Vì vậy, cải cách hành chính tốt sẽ là tiền đề để thu hút đầu tư của các DN nước ngoài.

Với mục tiêu xem Việt Nam là một đất nước đầy tiềm năng, ông Don Lam cho biết: “Chúng tôi và các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao các cơ hội đầu tư vào đất nước Việt nam đầy tiềm năng. Tập đoàn VinaCapital đang hướng tới việc liên kết đầu tư với các nhà đầu tư nước ngoài, và cả “đại bàng trong nước” vào những khu kinh tế mở, các dự án có tầm phủ sóng cho một khu vực gồm vài tỉnh thành, dự kiến thu hút trên 10 tỷ đô la trong tương lai rất gần”.

Xuất khẩu sẽ tiếp tục là một mũi nhọn tăng trưởng của Việt Nam

Ông Mai Hữu Tín – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nổi tiếng với vai trò “giải cứu” những doanh nghiệp lớn, mà mới đây nhất là Gỗ Trường Thành, doanh nhân Mai Hữu Tín cho rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những phản ứng kịp thời, phù hợp trước các diễn biến mới của thương mại quốc tế có ảnh hưởng tới Việt Nam. 

Ông Tín bày tỏ kỳ vọng Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục nắm chắc tình hình, có giải pháp phù hợp với những diễn biến mới trong chính sách thương mại của các đối tác lớn, để xuất khẩu sẽ tiếp tục là một mũi nhọn tăng trưởng của Việt Nam.

Nhắc lại câu chuyện “giải cứu” Gỗ Trường Thành vừa qua, ông Mai Hữu Tín cho biết dấu mốc năm 2045 như là một chiến lược 25 năm của doanh nghiệp và được cụ thể hóa rước hết xin bằng kế hoạch 10 năm được xác định là thập kỷ nhảy vọt đưa Gỗ Trường Thành trở thành doanh nghiệp gỗ hàng đầu ASEAN cả về công nghệ, sản lượng, doanh thu, nhất là thị trường đồ gỗ nội thất.

Về đích sớm 2 năm so với yêu cầu của Thủ tướng

Ông Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng kiến trúc AA – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đại diện cho ngành gỗ phát biểu tại Đối thoại, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Công ty cổ phần xây dựng kiến trúc AA, đồng thời là Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM nhớ lại hội nghị năm 2018 do Thủ tướng chủ trì. 

Lúc đó, Thủ tướng đặt mục tiêu cho ngành gỗ Việt Nam làm sao trong 5 năm tới đứng vào vị trí thứ 2 thế giới. “Hôm nay, sau 3 năm, tôi xin vui mừng báo với Thủ tướng là năm nay chúng ta đã đứng thứ nhì thế giới”, ông Khanh nói. Năm 2020, mặc dù dịch bệnh COVID-19, ngành gỗ tăng trưởng 2 con số. Xuất siêu đạt 10 tỉ USD. 

Vậy đến năm 2045, ngành gỗ sẽ đứng ở vị trí nào? Ông Khanh bày tỏ, ngành gỗ thường được nhắc tới là ngành ít đổi mới sáng tạo, sử dụng nhiều lao động nhưng thực sự ngành gỗ rất quan trọng đối với Việt Nam. Đây là ngành duy nhất của Việt Nam trong suốt 18 năm qua tăng trưởng 2 con số. Hai tháng đầu năm nay, ngành xuất khẩu 2,4 tỉ USD, tăng 51% so với cùng kỳ.

Đây là con số ấn tượng. Vậy chúng ta có thể tiếp tục tăng trưởng như vậy hay không? Ông Khanh khẳng định, hoàn toàn có thể. Ngành này sẽ tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2. Để có được điều này, ngành sẽ tiếp tục chứng tỏ là ngành tham gia bảo vệ môi trường. Gỗ là sản phẩm có khả năng tái tạo rất lớn. 

Nếu xây 1m2 nhà bằng gỗ thì tiết kiệm năng lượng hơn 10 lần. Nguyên liệu nào thì cũng sẽ hết trừ gỗ. Thị trường đồ nội thất của thế giới rất lớn, với giá trị thương mại khoảng 450 tỉ USD/năm, trong đó nội thất bằng gỗ khoảng 150 tỉ USD/năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu, nên dư địa phát triển của ngành đến năm 2045 còn rất lớn.

Ông Khanh đề xuất Chính phủ có chính sách thúc đẩy xây dựng các thế hệ doanh nhân trẻ, coi đây là ngành khởi nghiệp; đầu tư nhiều vào công nghệ, tích cực chuyển đổi số. Ngành gỗ cần đi trước về công nghệ, cần có giá trị gia tăng cao hơn, chứ không chỉ đi gia công.

Tập trung vào 3 vấn đề: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Dragon Capita – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đại diện cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Dragon Capital, người đã gắn bó rất nhiều năm với Thị trường chứng khoán Việt Nam, cho rằng, định hướng nền kinh tế Việt Nam 2045 nên tập trung ngay bây giờ vào 3 vấn đề: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Thiên thời là các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, nhà kính trong mối quan hệ tổng hòa với các lĩnh vực tạo nên sự tăng trưởng GDP, qua đó hướng tới sựu tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Một vấn đề nữa được ông Dominic Scriven kiến nghị là làm sao TPHCM tiếp tục đóng vai trò đầu tầu kinh tế Việt Nam, trong đó trọng tâm là phát triển mạnh hạ tầng cơ sở đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Đây chính là địa lợi.

Cuối cùng, về nhân hòa, Chủ tịch Công ty Dragon Capital cho rằng, gần đây có nhiều vụ lừa đảo do sự thiếu hiểu biết của một số người dân. Do đó, cần đẩy mạnh phổ biến kiến thức về tài chính cho người dân Việt Nam để người dân có những phương án tài chính bền vững khi về già.

Tự hào là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Kỳ vọng về nền kinh tế Việt Nam năm 2045, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch Ngân hàng SEABANK cho rằng có thể đặt tầm nhìn Việt Nam sẽ nằm trong top những nền kinh tế lớn nhất khu vực. Sẽ có những doanh nghiệp của Việt Nam, không phân biệt Nhà nước hay tư nhân, nằm trong danh sách những doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Và ngay bây giờ phải tạo dựng được một nền móng vững chắc, một dư địa phát triển rộng lớn cho những thế hệ sau này, để con, cháu chúng ta sẽ được sống trong một quốc gia phát triển với thu nhập cao, đúng với tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.

“​Tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam chúng ta có cơ hội để hiện thực hóa tầm nhìn nói trên. Dưới góc độ kinh tế, trong vai trò của một doanh nghiệp tư nhân đa ngành lớn của Việt Nam với lịch sử hơn 30 năm phát triển, tôi thấy cộng đồng kinh tế tư nhân đang có một môi trường kinh doanh tốt nhất từ trước đến nay”, bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ.

​Một minh chứng sống động, xứng đáng được ghi vào những trang lịch sử hào hùng nhất của đất nước đó là Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự linh hoạt của Chính phủ với những quyết sách quan trọng đã kiềm chế đại dịch COVID-19, đảm bảo sự phát triển ổn định của kinh tế đất nước. Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu công bố cuối tháng 2/2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu.

Truyền lửa cho những DN trẻ

Ông Trần Kim Chung, Chủ tịch C.T Group – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Trần Kim Chung, Chủ tịch C.T Group, cho biết doanh nghiệp sẽ tập trung vào một số chủ đề lớn: Đầu tư cho nhà giá rẻ dành cho thế thệ trẻ vì người trẻ rất cần an cư, lạc nghiệp, hướng tới các đô thị trẻ, dự kiến đưa ra 20 ngàn căn hộ giá trẻ trong năm 2021; tham gia vận động và góp vốn vào tuyến đường sắt cao tốc từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây; đầu tư vào fintech, flytech…; chung tay cùng TPHCM chống ngập và các dự án sinh thái; nghiên cứu phát triển ngân hàng số chuyên về xuất khẩu.

Ông Chung đề xuất một số kiến nghị, như giải quyết các vướng mắc không đáng có về thủ tục; hoàn thiện khung pháp lý cho các công nghệ cao như fintech và flytech, cho ngân hàng số; đầu tư hạ tầng giao thông và giáo dục cho ĐBSCL để phát triển nguồn nhân lực tương lai…

Phát triển văn hóa kinh tế sáng tạo

Ông Đinh Bá Thành – Chủ tịch điều hành tổ hợp công nghệ truyền thông và giải DATVIETVAC – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mở đầu bài phát biểu, ông Đinh Bá Thành, Chủ tịch điều hành Tổ hợp công nghệ truyền thông và giải trí DatVietVAC nhắc lại lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, văn hóa Việt Nam là yếu tố quan trọng giúp chúng ta đạt được nhiều kỳ tích”.

Theo ông Thành, văn hóa và sáng tạo cần được ưu tiên, hỗ trợ, bởi hiện nay, Việt Nam chưa có nhiều chính sách rõ ràng và chỉ tiêu cụ thể. Hiện nay, chúng ta có làm kinh tế, văn hóa sáng tạo nhưng rời rạc, không kết nối nhất thể để tích hợp, tạo được sức mạnh.

Trong lĩnh vực văn hóa kinh tế sáng tạo, Việt Nam có thế mạnh về ẩm thực, thời trang như áo dài, thủ công mỹ nghệ, thức uống có cà phê… Những nét văn hóa riêng biệt để có thể phát triển kinh tế văn hóa sáng tạo.

Cùng với những chính sách hỗ trợ riêng biệt để phát triển văn hóa kinh tế sáng tạo, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có cơ chế, chế tài mạnh mẽ để xử lý các vấn đề về bản quyền. Hiện nay, việc vi phạm bản quyền trong các sản phẩm văn hóa của Việt Nam đang trở thành vấn nạn, gây thiệt hại lớn cho các DN Việt.

Ông Đinh Bá Thành kiến nghị sửa đổi Nghị định 06-NĐ/CP trên nền tảng tôn trọng thực thi luật pháp Việt Nam phù hợp với thông lệ thế giới:  tức thì, bình đẳng, không ngoại lệ. “Có như thế, công nghiệp nội dung Việt Nam mới có năng lực canh tranh để đóng góp vào việc phát triển kinh tế văn hóa sáng tạo”.

Phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cũng là doanh nhân trẻ, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cho biết, giai đoạn 2021-2030 là cực kỳ quan trọng để tạo tiền đề cho Việt Nam có thể trở thành nước phát triển vào năm 2045, “nền cần lắm Nhà nước có các chính sách phát triển kinh tế tư nhân một cách mạnh mẽ”. Nếu đất nước thực sự muốn những tinh hoa của cả dân tộc đều có cơ hội cống hiến thì xin mở cửa một cách thoải mái, cởi mở nhất trong chính sách tuyển dụng người tài vào bộ máy công quyền.

Ông cũng đề nghị gia tăng tỉ lệ đại biểu là doanh nghiệp, trí thức trong Quốc hội để doanh nghiệp, trí thức đóng góp kiến thức, kinh nghiệm vào quá trình lập pháp. 

“Doanh nghiệp khởi nghiệp là bộ phận lớn trong Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Tôi đã gặp nhiều và dự nhiều buổi hội thảo và đã thấy Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành rất quan tâm, mong muốn phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp”, ông Đặng Hồng Anh nói. “Kiến thức và thông tin khi khởi nghiệp bây giờ doanh nghiệp Việt Nam có nhiều nhưng điều cần nhất cho doanh nghiệp là vốn, kinh nghiệm quản lý, điều hành và hệ sinh thái để họ có thể thương mại hóa các sản phẩm dịch vụ của mình”.

Ông đề xuất miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân cho những khoản đầu tư của doanh nghiệp hay cá nhân vào khởi nghiệp vì “đồng tiền dính liền khúc ruột”.

Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) Hoàng Quốc Vượng – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cần điều chỉnh cơ chế, chính sách để DNNN dám nghĩ, dám làm

Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) Hoàng Quốc Vượng cho biết, trải qua 46 năm hình thành và phát triển, từ một xí nghiệp nhỏ bé, với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong giai đoạn đầu phát triển, đến nay PVN đã trở thành một tập đoàn kinh tế nòng cốt  trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, có vị trí, vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh quốc gia.

Tập đoàn đã triển khai thực hiện hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác, phát triển dầu khí trên toàn bộ vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Tính đến hết năm 2020, tổng sàn lượng khai thác của PVN đạt khoảng 640 triệu tấn quy dầu, trong đó bao gồm trên 424 triệu tấn dầu và condensate, gần 217 tỷ m3 khí.

Đến nay, PVN đã cơ bản xây dựng và hoàn thiện được chuỗi giá trị, trong đó phải kể đến một số cụm dự án/dự án tiêu biểu: cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau; cụm Khí – Điện – Đạm Đông Nam Bộ và dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; các cụm dự án này đang hoạt động hiệu quả, đóng góp to lớn cho phát triên kinh tế-xã hội.

Các hoạt động dầu khí trong những năm qua đã đóng góp to lớn vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Tính riêng trong giai đoạn 2006 – 2015, hằng năm, PVN đóng góp trung bình 20-25% tổng thu ngân sách Nhà nước, 18-20% GDP. Bên cạnh đó, hoạt động dầu khí trên biển còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Giai đoạn 2016-2020, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn thách thức, biến động mạnh của giá dầu, các khó khăn nội tại và tác động kép của dịch bệnh COVID-19…, song với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự nỗ lực phấn đấu và đoàn kết của cán bộ công nhân viên PVN, các nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2016-2020 của PVN về cơ bản đã hoàn thành, đạt được những kết quả quan trọng.

Trong giai đoạn này, nộp ngân sách nhà nước hằng năm của PVN chiếm tỉ trọng 9-11% tổng thu ngân sách của nhà nước và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách Trung ương. Đóng góp cho GDP cả nước trung bình hằng năm là 10-13%.

Năm 2020, mặc dù bị tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19, giá dầu sụt giảm, nhưng PVN vẫn hoàn thành kế hoạch, khai thác trên 20 triệu tấn dầu quy đổi, nộp ngân sách nhà nước trên 83.000 tỷ đông; lợi nhuận sản xuất kinh doanh đạt gần 20.000 tỷ đồng.

Ông Hoàng Quốc Vượng kiến nghị hoàn thiện thể chế phát triển ngành dầu khí, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp cho Tập đoàn Dầu khí phát triển, ban hành Luật Dầu khí mới và các văn bản hướng dẫn phù hợp với tình hình mới.

Kinh tế Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ

Phát biểu tại Đối thoại, nhà nghiên cứu, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, tin tưởng, 25 năm nữa Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu ” tầm nhìn” năm 2045.

Theo ông Tuấn, 25 năm trước tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt ở mức cao khoảng 9,3%/năm. Tuy nhiên, sau đó, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới nên chúng ta tăng trưởng chậm lại. Những năm gần đây Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh khoảng 7%/năm, thuộc tốp cao nhất thế giới, được cộng đồng quốc tế đánh giá như ngôi sao đang lên.

Theo phân tích của ông Tuấn, nếu Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm trong 25 năm tới, thì Việt Nam sẽ chạm chuẩn thu nhập cao của thế giới.

Ông Tuấn cho rằng, kinh tế Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ, không chỉ kinh tế Nhà nước mà phải mở rộng ra kinh tế trong nước nói chung, trong đó doanh nghiệp Việt Nam mới là chủ đạo. Doanh nghiệp nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. “Sự giàu có của người dân VN, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp VN là một đòi hỏi cấp thiết, như là một mệnh lệnh trên con đường hướng tiến đến một Việt Nam cường thịnh 2045”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.

Chính phủ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiến tạo, hỗ trợ, thúc đẩy bằng nhiều chính sách đặt trong cái tâm của nhà lãnh đạo phục vụ nhân dân. “Tôi đặt niềm tin Việt Nam sẽ có ngày càng nhiều những doanh nhân công, những nhà lãnh đạo xuất sắc có tinh thần dám nghĩ dám làm, quyết tâm hành động, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, với tinh thần: Trách nhiệm – Danh dự – Lương tâm”.

Đồng thời, trong quá trình phát triển, chúng ta cần phải kết hợp hài hòa yếu tố văn hóa, môi trường cũng như tăng trưởng GDP để tạo nên sự phát triển bền vững cho đất nước, ông Tuấn đề xuất.

Thủ tướng: Dự án nào không thể khắc phục, kiên quyết cho giải thể, phá sản

TTO – Đối với 12 dự án kém hiệu quả của ngành công thương, dự án nào không còn khả năng khắc phục thì kiên quyết thanh lý, giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật, thu hồi tối đa tài sản nhà nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.