Tiêm vắc xin ngừa COVID ở Zimbabwe. Những nước như quốc gia này sẽ không có đủ vắc xin đến tận năm 2024 – Ảnh: The Intercept
Theo trang The Intercept, ngành công nghiệp dược phẩm đã gửi hồ sơ hàng trăm trang cho Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ cảnh báo về mối đe dọa đến từ bất cứ nỗ lực nào “thách thức bảo hộ tài sản trí tuệ”, bất kể nhằm mục đích đối phó đại dịch COVID-19.
Theo một ước tính, các nước giàu chỉ chiếm 16% dân số thế giới nhưng đã bỏ túi đến hơn một nửa hợp đồng mua vắc xin (vaccine) ngừa COVID-19. Điều này sẽ khiến phần lớn các nước thu nhập trung bình, đang phát triển không đạt được mức tiêm chủng diện rộng trong vài năm nữa.
Sự chậm trễ chắc chắn sẽ trả giá bằng nhiều mạng sống và rủi ro tương lai, bao gồm khả năng virus tiếp tục đột biến nguy hiểm hơn.
Cuộc chơi của các ông lớn
Đứng trước tình thế khó khăn, một số chính phủ đang cân nhắc miễn trừ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ để đẩy nhanh sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 với giá rẻ. Đây là cái gai trong mắt các gã khổng lồ dược.
Biotechnology Innovation Organization (BIO), tổ chức vận động hành lang cho ngành dược, lập luận rằng việc các chính phủ nước ngoài đơn phương áp giá thuốc và tốc độ sản xuất “sẽ gây nguy cơ cho công ăn việc làm và người lao động Mỹ, cản trở tiến bộ khoa học đến với xã hội”.
Liên minh Các nhà sản xuất và nghiên cứu dược phẩm Mỹ (PhRMA), một nhóm vận động khác, yêu cầu chính quyền Tổng thống Biden vận dụng mọi biện pháp, công cụ nhằm đảm bảo các đối tác thương mại của Mỹ không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong cuộc chiến chống COVID-19.
BIO và PhRMA đại diện cho các hãng dược lớn nhất thế giới, bao gồm Pfizer, Gilead Sciences, và Johnson & Johnson. Họ có quan hệ chặt chẽ với các tổ chức nghiên cứu, nhà lập pháp, hàn lâm… tham gia xây dựng chính sách ứng phó đại dịch.
Hai nhóm này đã chi đến 38 triệu USD vận động các quan chức liên bang Mỹ trong năm 2020.
Các nhóm khác nhận tiền của ngành dược còn bao gồm Phòng Thương mại Mỹ, Hiệp hội quốc gia Các nhà sản xuất, Liên minh vì thực thi thương mại, Hiệp hội Chủ sở hữu tài sản trí tuệ… Tất cả họ đều yêu cầu Washington mạnh tay với các nước muốn “xé rào” sản xuất vắc xin.
Ông Albert Bourla – giám đốc điều hành Hãng dược Pfizer – từng gọi các đề xuất chia sẻ tài sản trí tuệ là “nhảm nhí” và “nguy hiểm”. Cũng dễ hiểu vì các sản phẩm vắc xin mang về cho công ty này số tiền lên đến 21 tỉ USD trong năm nay, theo ước tính của Bernstein Research.
Những động thái mới nhất của ngành dược có mục đích rõ ràng là gây tác động lên Báo cáo đặc biệt 301 của Chính phủ Mỹ. Mỗi năm, dại diện thương mại Mỹ cho phép dư luận góp ý về các quốc gia vi phạm quyền tài sản trí tuệ, nước nào lọt vào Báo cáo 301 có thể bị Mỹ đánh thuế trả đũa hoặc trừng phạt.
Ông Burcu Kilic – giám đốc Chương trình Tiếp cận thuốc cho công dân – lưu ý rằng lịch sử cho thấy Báo cáo 301 luôn có xu hướng đứng về phía ngành công nghiệp dược, “gần như là sao chép nguyên bản những lập luận của ngành này”, chỉ không rõ là chính quyền ông Biden có bắt chước các vị tiền nhiệm.
Ngành công nghiệp dược thu lợi rất nhiều từ vắc xin nhưng ít chịu chia sẻ – Ảnh: The Intercept
Có tiền công nhưng sao tài sản toàn của riêng?
Sự bất cập trong phân phối vắc xin ngừa COVID-19 toàn cầu đã gây ra tranh cãi dữ dội thời gian qua về quyền độc quyền dành cho các công ty nắm bằng sáng chế dược phẩm theo luật của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Các quốc gia giàu như Mỹ, Canada, Nhật Bản… đã chốt được một lượng vắc xin lớn đủ cho toàn dân trong năm nay và cơ bản họ ủng hộ chính sách cho phép các hãng dược tự thương lượng và đề ra mức giá, mức sản xuất cho vắc xin COVID-19.
Giới đấu tranh vì sức khỏe cộng đồng chỉ ra một điểm vô lý, đó là nhiều công nghệ sản xuất vắc xin được tài trợ bởi tiền nhà nước, nhưng cuối cùng lại “đáp” toàn bộ vào tay tư nhân.
“Về nguyên tắc, hệ thống bằng sáng chế mang ý nghĩa anh bỏ vốn riêng ra đầu tư và chấp nhận rủi ro, đổi lại anh được độc quyền phát minh đó nếu thành công. Trường hợp các công ty dược thì không phải vậy, nó không phải vốn riêng, mà là tài sản công” – ông Achal Prabhala, điều phối viên dự án AccessIBSA, giải thích.
Lấy ví dụ vắc xin của Pfizer, nó được phát triển chung với BioNTech, công ty này lại nhận được 445 triệu USD từ Chính phủ Đức (tức tiền thuế của dân) giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển và sản xuất. Trong khi đó, Chính phủ Mỹ chi đến 1 tỉ USD cho Hãng dược Moderna để nghiên cứu và thử nghiệm vắc xin COVID-19.
Johnson & Johnson nhận được 1,45 tỉ USD từ Cơ quan Nghiên cứu và phát triển nâng cao y sinh – một nhánh của Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ – để cho ra đời loại vắc xin COVID-19 mới được thông qua.
Các hãng dược thường được bảo vệ, nhưng điều này có thể thay đổi được. Ví dụ Đạo luật Bayh-Dole 1980 cho phép Chính phủ Mỹ tạm nắm quyền và chia sẻ bằng sáng chế trong phạm vi công cộng vì mục đích y tế – sức khỏe, tuy nhiên nó chưa bao giờ được vận dụng.
Đạo luật Sản xuất quốc phòng (DPA) cũng có thể được kích hoạt để buộc các hãng dược hợp tác tăng nguồn cung vắc xin bằng cách mở rộng sản xuất. Đến nay, chính quyền ông Biden chỉ mới vận dụng DPA để tăng sản lượng ống nghiệm, kim tiêm và các vật liệu khác, chứ chưa ép các hãng dược.
Kể ra thì có rất nhiều cách, nhưng làm vậy đòi hỏi sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận tài sản trí tuệ, mà điều này đối chọi với giáo lý “làm ăn trên hết” của ngành dược vốn thống trị ở Washington D.C.
“Để điều đó xảy ra thì chính phủ liên bang phải ra tay, mà làm vậy sẽ đi ngược với chính sách của họ đã làm trong vài chục năm qua” – chuyên gia Prabhala lý giải sự khó khăn.
Hơn 44.000 người ở TP.HCM sẽ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 là những ai?