Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị – Ảnh: TRẦN MINH
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ tại hội nghị thường niên Câu lạc bộ giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc tổ chức ngày 3-12 ở Hà Nội.
Hội nghị với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất lượng bệnh viện, thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới”.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đánh giá cao những đóng góp của các cơ sở khám, chữa bệnh trong việc chăm sóc sức khỏe người dân. Đặc biệt, những đóng góp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 những năm qua.
Bà Lan cũng nêu rõ những vấn đề mà ngành y đang gặp phải hiện nay. Trong đó, có những khó khăn trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, tự chủ bệnh viện, chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế.
“Thực tế hiện nay cho thấy thời gian đào tạo y bác sĩ dài hơn các ngành khác, thời gian đào tạo chuyên sâu, học tập liên tục nhưng đãi ngộ về tiền lương lại không nhiều.
Ví dụ như việc thu hút sinh viên cho ngành điều dưỡng rất khó khăn, sinh viên học ra làm việc lương thấp, áp lực cao. Chúng ta cần có thêm chính sách ưu đãi cho sinh viên ngành y như ngành sư phạm.
Bên cạnh đó, chế độ tiền trực, phụ cấp cho nhân viên y tế còn chưa phù hợp với cơ chế thị trường. Chế độ tiền trực của nhân viên y tế rất thấp, xây dựng từ nhiều năm trước, đến nay không còn phù hợp. Hiện Bộ Y tế cũng đã có những đề xuất về việc tăng trợ cấp, lương cho lực lượng y tế”, bà Lan khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nêu ra những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện ngay trong thời gian tới. Trong đó, việc đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh; mua sắm thuốc, vật tư y tế; ứng dụng khoa học công nghệ… là việc cần làm ngay.
32,3% cơ sở y tế chưa triển khai bệnh án điện tử
Về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, ông Lương Ngọc Khuê – cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) – cũng cho biết tính đến nay đã có 455 cơ sở khám, chữa bệnh có bộ phận công nghệ thông tin, chiếm 62%. Còn 277 cơ sở khám, chữa bệnh không có bộ phận công nghệ thông tin, chiếm 38%.
Hiện có tới 32,3% cơ sở khám, chữa bệnh chưa triển khai hoặc đang có phương án triển khai bệnh án điện tử.
Trao đổi tại hội nghị, lãnh đạo một bệnh viện đa khoa tại tỉnh Bắc Giang chia sẻ hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các bệnh viện tuyến huyện còn gặp nhiều khó khăn do nguồn thu không nhiều nên không thể chi phí thêm cho nhân lực chuyển đổi số.
Trường nghề liên kết cùng bệnh viện đào tạo, giải bài toán ‘khát’ điều dưỡng