Xét nghiệm nhanh COVID-19 giai đoạn đầu của dịch – Ảnh: NAM TRẦN
Cả nước chỉ ghi nhận 71 ca mắc COVID-19 mới, có hy vọng khống chế dịch?
Thống kê của Bộ Y tế cho biết ngày 25-12 chỉ ghi nhận 71 ca mắc COVID-19 mới, là ngày có số ca mắc mới trong ngày thấp nhất tính từ tháng tháng 6-2021 đến nay.
Theo biểu đồ của Bộ Y tế, số ca mắc mới đã giảm liên tục những ngày vừa qua, nhưng gần 18 tháng qua chưa bao giờ chỉ thống kê được dưới 100 ca mới/ngày. Điều còn băn khoăn hiện nay là dù số ca mắc đã giảm thấp nhưng bình quân ca tử vong trong tuần vẫn là 1 ca/ngày, thậm chí có ngày ghi nhận tới 2 ca tử vong.
Công dân đăng ký cư trú trả phí 5.000 – 20.000 đồng/lượt
Theo thông tư của Bộ Tài chính vừa ban hành và áp dụng từ 5-2-2023, việc đăng ký thường trú, tạm trú, gia hạn tạm trú, tách hộ của công dân đều phải đóng phí mức 5.000 – 20.000 đồng/lượt, trong đó phí đăng lý trực tuyến giảm 1/2 so với đăng ký trực tiếp.
Thông tư này cũng hướng dẫn miễn phí đăng ký cư trú cho trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật (quy định độ tuổi thực hiện theo luật hiện hành), người có công với cách mạng hoặc là người dân tộc thiểu số, người đang sinh sống tại khu vực khó khăn, người 16-18 tuổi mồ côi cha mẹ.
Khởi công mở rộng quốc lộ 50 huyết mạch TP.HCM – Long An – Tiền Giang
Dự kiến ngày mai 27-12, TP.HCM sẽ tổ chức lễ khởi công dự án xây dựng, mở rộng quốc lộ 50, huyện Bình Chánh.
Quốc lộ 50 là tuyến đường huyết mạch nối TP.HCM qua Long An đến Tiền Giang. Đoạn qua địa bàn TP.HCM hiện đang chật hẹp nên luôn có nguy cơ xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông. Đặc biệt trong các dịp lễ Tết, tuyến đường thường xảy ra ùn tắc kéo dài nhiều km khiến người dân ngán ngẩm.
Quốc lộ 50 đoạn qua TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG
Thêm vào đó, đây là đường dẫn tới khu vực bãi rác Đa Phước nên có nhiều xe chở rác chạy thường xuyên, đã có nhiều vụ va chạm gây thương vong.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, về quy mô, dự án quốc lộ 50 đoạn qua huyện Bình Chánh sẽ mở rộng lên 6 làn xe với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng.
Trong đó, vốn trung ương hơn 686,5 tỉ đồng, còn lại là vốn ngân sách TP.HCM. Sau khi mở rộng sẽ giúp kết nối giữa khu phía Nam TP với các tỉnh miền Tây được tốt hơn.
Xây dựng Trường đại học Y Dược Cần Thơ thành trường trọng điểm quốc gia
Trường đại học Y Dược Cần Thơ sẽ tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư, phát triển trở thành trường trọng điểm quốc gia, PGS.TS Nguyễn Trung Kiên, hiệu trưởng nhà trường, cho biết tại lễ kỷ niệm 43 năm xây dựng và phát triển Trường đại học Y Dược Cần Thơ (1979 – 2022), tổ chức ngày 25-12.
Trong 43 năm qua, Trường đại học Y Dược Cần Thơ đã đào tạo ra gần 30.000 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân và gần 10.000 thạc sĩ, bác sĩ nội trú, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, tiến sĩ, góp phần đáng kể vào việc bổ sung nguồn nhân lực cho ngành y tế khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, tăng tỉ lệ bác sĩ, dược sĩ trên vạn dân.
Hiện 86% giảng viên nhà trường có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có 29 giáo sư và phó giáo sư, 82 tiến sĩ. Quy mô đào tạo của trường gồm 10 mã ngành đại học, 90 mã ngành và chuyên khoa sau đại học. Đặc biệt, trường triển khai thành công mô hình “tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng” cho các tỉnh trong khu vực.
Đã có một số doanh nghiệp phải giãn việc, nghỉ việc gần đây, đời sống người lao động bị ảnh hưởng
Tập trung hỗ trợ người lao động mất việc, giảm lương
Trong chỉ thị tăng cường các biện pháp để đón Tết Quý Mão 2023 vui tươi, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ ngành, địa phương rà soát, nắm tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, miền núi, vùng dân tộc thiểu số để quan tâm, chăm lo, kịp thời hỗ trợ phù hợp.
Tổ chức thăm hỏi, tặng quà đúng đối tượng, chế độ, công khai, minh bạch, tránh trùng lặp, chồng chéo, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, đảm bảo tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết. Thủ tướng cũng yêu cầu nắm tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, đặc biệt là những địa phương tập trung nhiều lao động, tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết; quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm.
Thực hiện các giải pháp duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời lao động cho doanh nghiệp trước và sau Tết Nguyên đán. Tăng cường kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm người lao động được chi trả đủ lương, thưởng và bố trí nghỉ Tết đúng chế độ. Thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; chủ động xây dựng các giải pháp phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán. Hỗ trợ, tạo điều kiện để bảo đảm người lao động Việt Nam ở nước ngoài được đón Tết Nguyên đán theo phong tục, truyền thống của dân tộc và phù hợp với điều kiện.
Tin tức thế giới 25-12: Giáng sinh lạnh nhất lịch sử Mỹ; Tên lửa Nga vẫn đánh Ukraine