Những 'người vận chuyển’ trong đại dịch | Nội Thất Hưng Thịnh Phát
1
Nội Thất Hưng Thịnh Phát Kính Chào! vui lòng để lại lời nhắn để được tư vấn

Những ‘người vận chuyển’ trong đại dịch

Kết thúc hai chuyến xe chạy xuyên đêm chở người từ sân bay Nội Bài về các trung tâm cách ly, anh Chín cởi bộ quần áo bảo hộ, vứt khẩu trang vào thùng rác. Đôi mắt đỏ ngầu, vành tai căng nhức vì gọng kính bảo hộ đeo suốt đêm. Anh vục nước lạnh rửa tay, rửa mặt trước khi đặt lưng xuống giường. Giấc ngủ chập chờn đến vào lúc 5 rưỡi sáng, khi tiếng gà gáy đã vang lên ở vùng ngoại ô Mỹ Đức.

Chỉ hơn một tiếng sau, tiếng kẻng đơn vị đánh thức anh. Cơm sáng có thịt rang, bí luộc còn đang bốc khói. Toàn thân uể oải, miệng khô đắng, anh chỉ tu nước lạnh cho tỉnh người rồi lại leo lên cabin. Đoàn xe gần chục chiếc biển đỏ nối đuôi nhau trở lại Nội Bài. Sân bay ngày 28/2 đón hơn 1.000 người Việt hồi hương, thoát khỏi tâm dịch Daegu, Bắc Gyongsang khi Hàn Quốc bùng nổ Covid-19.

Thượng úy Hà Đình Chín tranh thủ giờ nghỉ tại đơn vị, kiểm tra phương tiện trước khi khởi hành, ngày 24/3. Ảnh: Thanh Huế. 

Hơn 15 chuyến bay liên tục hạ cánh xuống đường băng. 32 chiếc xe chở khách loại 24 chỗ và 29 chỗ ngồi của Bộ tư lệnh thủ đô “quay vòng” hết công suất. Tài xế được điều động từ các đơn vị trực thuộc Bộ tư lệnh. Những chuyến xe đưa người về các trung tâm cách ly tỏa đi khắp Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa. Tiểu đoàn công binh 544, cách sân bay Nội Bài 15 km trở thành “đại bản doanh” của đội lái xe.

Nhiệm vụ đến từ một cuộc điện thoại vào tối 27/2, lúc 21h. Thượng úy Chín tức tốc từ công trường về đơn vị – Tiểu đoàn Công binh 544 đóng ở Đông Anh ngay trong đêm. Anh chỉ kịp mặc bộ quân phục dã chiến, vớ chiếc khẩu trang rồi lên đường.

Chiếc Hyundai 24 chỗ chuyên đưa cán bộ chiến sĩ đơn vị đi công tác, giờ được trưng dụng làm xe đưa đón người cách ly. Chuyến nghỉ phép về thăm quê Hưng Yên đành gác lại, với người mẹ 87 tuổi đang cấp cứu trong bệnh viện và lễ 50 ngày cho anh trai cả.

Chiếc xe có mặt trong sân bay Nội Bài 15 phút sau đó. Thứ đầu tiên anh nhận được là bộ đồ bảo hộ màu xanh trùm kín đầu kèm khẩu trang, kính mắt, găng tay cao su. Chiếc mũ trùm kín đầu khiến anh khó quay sang hai bên. Thượng úy 43 tuổi đỗ xe đợi ở đường hầm nội bộ nhà ga T2 chờ khách. Máy bay đã hạ cánh, nhưng thay vì lấy hành lý và ra thẳng sảnh ra dưới tầng một như mọi khi, khách di chuyển lên khu kiểm soát dịch ở tầng hai đo thân nhiệt, làm tờ khai y tế. Trong lúc chờ người, anh tài xế theo thói quen cầm tuýp sắt, gõ vào lốp nghe boong boong, biết áp suất lốp ổn mới thôi.

Hơn 22h, những vị khách đầu tiên bước lên xe. Thanh niên, người già có cả, anh liếc mắt còn trông thấy cô gái bế trẻ con trên tay. Những gương mặt phờ phạc không nói với nhau câu nào. Họ chủ yếu là du học sinh và người lao động tại Hàn Quốc. “Xe về đâu thế? Cách ly ở đâu?”, vị khách cuối cùng lên xe hỏi. Chín chỉ cười, nổ máy. Anh nhớ lời dặn, hạn chế nói chuyện với người trên xe.

23 năm trong nghề, thượng úy Chín đã đi khắp trời Nam đất Bắc. Loại xe nào cũng lái từ công nông, xe cẩu đến Gaz. Niềm vui lớn nhất đời tài xế là được đi. Năm 2008, anh từng chạy xe xuyên đêm chở hàng cứu trợ bão lụt vào Hương Sơn (Hà Tĩnh). Nhưng trong hàng nghìn chuyến đi “chưa có chuyến nào thiếu tự tin” như những chuyến này.

Các chiến sĩ tranh thủ ăn trưa giữa các chuyến xe, ngày 22/3. Ảnh: NVCC

Lọ thuốc nhỏ mắt, chiếc khẩu trang và bộ đồ bảo hộ trở thành vật bất ly thân suốt một tháng qua. Trong cabin luôn có chai nước lạnh và lon bò húc. Anh chỉ nhấp cho đỡ khô môi, không dám uống nhiều vì sợ đi vệ sinh. Xe chở người cách ly chạy thẳng, không được dừng nghỉ dọc đường.

Giấc ngủ ngày dịch vì thế cũng  trở nên xa xỉ. Họ gục đầu xuống bất cứ đâu, trên vô lăng, bãi cỏ, trên manh chiếu mượn được của đội y tế. Tài xế chống buồn ngủ bằng nhiều cách, có người dừng xe là tìm điếu thuốc rít lấy rít để. Chín bỏ thuốc lá đã hai năm, anh dùng nước chè thật đặc, nhỏ thuốc liên tục cho mắt đỡ mỏi. Anh nhớ những chuyến xe ngày thường, được tấp vào lề đường chợp mắt một lúc.

Bộ đồ bảo hộ mặc cả ngày trên người ướt đẫm mồ hôi. Nó trở thành một lớp áo khoác mỏng vào những đêm mưa. Bữa cơm ngày dịch trong bộ đồ bảo hộ cũng khó khăn hơn. Có ngày chạy vào trung tâm cách ly ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa) lúc hơn 19h, Chín đành từ chối cơm đồng đội mời. Anh ngại cởi quần áo bảo hộ, liền quay xe ngược lại Nội Bài và ăn tối lúc 23h.

Những chuyến xe đầu tháng ba rải rác khi tình hình dịch bệnh tưởng đã tạm yên. Nhưng khi Hà Nội xuất hiện ca nhiễm nCoV đầu tiên ngày 6/3, cũng là lúc báo hiệu cho một “cuộc chiến” mới. Giữa tháng ba, người Việt ồ ạt về nước khi châu Âu trở thành tâm dịch của thế giới. Đội vận chuyển được tăng cường từ 32 lên 60 xe. Tài xế, nhân viên kỹ thuật, quân y, hậu cần, tổng cộng cần 120 người, trong đó có Thượng úy Đỗ Quang Huy.

18h ngày 14/3, Huy nhận nhiệm vụ khi tiếng kẻng báo cơm tối vừa vang lên tại lữ đoàn 971, Tổng cục Hậu cần, Sóc Sơn. Mười bốn chiến sĩ bụng rỗng, đổ đầy xăng cho 8 chiếc xe 24 chỗ, lao đi trong cơn mưa dầm. Họ chính thức gia nhập biệt đội “người vận chuyển” .Chuyến đầu tiên, anh Huy đưa 29 người về cách ly tại Sơn Tây rồi quay trở lại sân bay Nội Bài, nhận đoàn khách tiếp theo. Khi ấy là hơn 2h sáng.

Thượng úy Huy nặng chưa đầy 60 kg nhưng có đôi tay gân guốc, ngày thường sẽ chở đạn dược, xăng dầu, binh khí, quân nhân. Ngày lũ, chở xuồng cứu hộ, nhu yếu phẩm đi Lai Châu, Thanh Hóa, Quảng Bình… và dịp Tết, sẽ góp phần “chở” ánh pháo hoa tới người dân trong đêm giao thừa.

Hơn hai chục năm ngồi sau vô lăng, anh lính 44 tuổi tự tin, không chiếc xe nào làm khó nổi mình. Vật bất ly thân trong mọi chuyến đi là đôi xẻng- cuốc công binh để đào hố cứu xe khi bị sa hố bùn. Bỏ lại những dụng cụ đường trường ấy lại đằng sau, “hành lý” đi sân bay Nội Bài của thượng úy Đỗ Quang Huy đợt này chỉ có lọ thuốc nhỏ mắt và bao thuốc lá để sẵn sàng cho những chuyến xe đêm.

Sau đôi kính bảo bộ, đôi mắt anh lính nhiều ngày không ngủ đỏ ngầu và khô xót. Những ngày đầu, giấc ngủ giữa sân bay luôn ngắt đoạn vì tiềng máy bay ù ù bên tai và ánh đèn sáng chói, chập chờn trong tâm thế, có thể bị vỗ vai “dậy đánh xe đi thôi” bất cứ khi nào. Nhưng mấy hôm cũng quen, anh em đặt lưng xuống là ngủ, trên ghế xe hay ngay nền đất ẩm, “má văn công, mông bộ đội mà, còn lâu mới ốm nhé”.

Thượng úy Đỗ Quang Huy 22 năm làm việc tại Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần. Ảnh: Thanh Huế

Sáng sáng, quen nếp nhà binh, anh vẫn tự dậy đúng lúc 5h, chạy vài vòng quanh hàng dài xe xếp nối đuôi nhau. Xung quanh, đồng đội còn co duỗi chợp mắt trên những tấm bạt đi mượn, người mặc nguyên bộ đồ bảo hộ. Lúc đó, anh mới chợt nhớ ra, “à nhỉ, tối qua mình ngủ sân bay”.

Ngày 20/3, sân bay Nội Bài có gần 2.500 người nhập cảnh. Nửa đêm, hàng dài những chiếc xe biển đỏ vẫn chờ sẵn cạnh hồ điều hòa đợi đưa người về các khu cách ly ở Ninh Bình, Sơn Tây, Tứ Hiệp – Thanh Trì (Hà Nội).

Một phụ nữ trung tuổi bay về từ Ba Lan giữ chặt xe đẩy hành lý, quát lớn giữa đám đông gần 400 người đang xếp hàng lên các xe. “Tôi bảo là tôi không đi cách ly”, với lý do chỉ sang châu Âu chơi mấy ngày, nhất quyết không chịu lên xe.

Những người lái xe như Huy nhìn nhau bối rối, mọi lời thuyết phục không có tác dụng. “Tôi không có dép, không có cả đồ lót, không đi cách ly được”. Những hành khách trên 8 chiếc xe khác bắt đầu phản ứng vì phải chờ quá lâu trong trời đêm mưa. Lực lượng an ninh can thiệp, cuối cùng phải dùng biện pháp cưỡng chế đưa người phụ nữ này đi.

Hôm ấy, những người lái xe như Huy bị “mất oan” hơn một tiếng đồng hồ vì sự cố, đáng lẽ được nghỉ ngơi, chỉ để đợi “hành khách cuối cùng”.

Anh đùa, đời mình từng chở cả pháo hoa, thuốc nổ, nhưng những chuyến xe chở người lần này còn căng thẳng hơn nhiều. Đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 mét với 24 con người ngồi trong xe chỗ là điều bất khả thi. Ghế lái của anh cách người ngồi cạnh chưa đầy khoảng tay với. 

Những chuyến xe đi về khu cách ly thường ít tiếng trò chuyện. Ban đêm, ai cũng mệt mỏi, mong sớm đến nơi và hạn chế tiếp xúc với nhau trong không gian hẹp. Nhưng cũng có những người xuống xe, ngoái lại câu chào “Cảm ơn bác tài nhé”, “Xe chú thơm thế”, cũng đủ làm anh vui suốt đoạn đường về.

Anh Huy tự hào, lúc nào xe mình cũng “đạt chuẩn 5 sao”.  Anh bảo, râu có thể 3 ngày không cạo, nhưng xe đôi ngày là phải rửa, “thấy nó bẩn một tí là mình khó chịu”. Được buổi dong xe về đơn vị, Thượng úy Huy tranh thủ “hy sinh” giấc ngủ trưa, thức rửa xe suốt một giờ, mở cửa kính cho thoáng, vừa kỳ cọ từng lốp xe, vừa huýt sáo.  “Xe sạch, người ta trèo lên, thì phải đi cách ly cũng vẫn vui nhỉ”, anh cười lớn.

Quệt đám mồ hôi trên trán, anh thả nắm chè mạn vào cái bình giữ nhiệt màu hồng, in hình Hello Kitty đã tróc sơn. Món quà vợ và cô con gái tặng anh 4 năm trước để pha chè đặc mang theo uống chống buồn ngủ. Lần nào bỏ ra dùng anh cũng đùa “trông xấu nhỉ”, nhưng luôn giữ bên người, chưa bao giờ quên mang theo.

“Hôm nay ngày mấy rồi “bố cháu”?”, anh quay sang hỏi thượng tá Hà Đình Chín. Đã một tuần trôi qua từ sinh nhật Phương Linh, cô con gái 10 tuổi , ngày14/3, cũng chính là ngày anh nhận nhiệm vụ trên sân bay Nội Bài.

Trong doanh trại buổi chiều cuối tháng Ba, xe tải, xe khách nối đuôi nhau ra vào. Về tới cổng đơn vị, xe được phun khử trùng tự động. Lái xe bỏ đồ bảo hộ ngay thùng rác trước cổng, đo thân nhiệt rồi vào khu vực riêng. Mỗi lần về đơn vị, biệt đội “người vận chuyển” chỉ loanh quanh hai nơi là phòng ngủ, bãi đỗ xe. Họ hạn chế gặp đồng đội. Anh em đã dọn sang khu khác, nhường trọn một dãy nhà làm nơi ở cho đội tài xế.

Xe khách, xe tải xếp thành hàng ngay ngắn, đợi điện thoại là nổ máy lên đường. “Dịch chưa biết bao giờ kết thúc, nên chưa hẹn ngày về nhà”, anh Chín trầm ngâm.

Đầu tháng ba, lãnh đạo Tiểu đoàn Công binh 544 thay anh về Hưng Yên thăm mẹ. Bà cụ 87 tuổi, biết tin con lao vào tâm dịch, chỉ nói “Các anh động viên em nó làm tròn nhiệm vụ”.

Ảnh: Phút ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương của người vận chuyển

Thanh Lam – Hoàng Phương

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.