Luật sư bảo vệ Sacombank tại tòa – Ảnh: TUYẾT MAI
Chiều 6-10, phiên tòa xét xử vụ hoán đổi đất vàng trái luật liên quan đến nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp, ông Nguyễn Thành Tài (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) và một số cựu cán bộ UBND TP.HCM tiếp tục tranh luận.
Sacombank nói án sơ thẩm chưa bảo vệ người ngay tình
Trước đó, xử sơ thẩm, TAND TP.HCM cho rằng quyền sử dụng đất nhà đất 185 Hai Bà Trưng là vật chứng của vụ án nên thu hồi giao lại cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM quản lý, sử dụng; trả nhà đất 57 Cao Thắng cho Công ty Diệp Bạch Dương (hiện nhà đất này đang thế chấp tại Agribank).
Về quan hệ giữa Công ty Diệp Bạch Dương, Sacombank, VAMC và các bên khác liên quan đến nhà đất 185 Hai Bà Trưng đã bị thu hồi là một quan hệ pháp luật khác sẽ được xem xét giải quyết khi các bên có yêu cầu.
Luật sư Dương Thanh Minh (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Sacombank) cho rằng tài sản 185 Hai Bà Trưng đã được Công ty Diệp Bạch Dương thế chấp cho Sacombank để bảo đảm cho khoản vay 160 tỉ đồng. Tạm tính đến ngày 16-11-2021, dư nợ của các hợp đồng tín dụng là 395 tỉ đồng.
Sacombank đã bán nợ cho VAMC, khởi kiện vụ án dân sự và có bản án dân sự sơ thẩm (buộc bà Diệp trả nợ cho VAMC) nhưng bị tạm đình chỉ ở giai đoạn phúc thẩm do liên quan đến vụ án hình sự này.
Luật sư cho rằng bản án sơ thẩm tuyên liên quan đến nhà đất 185 Hai Bà Trưng là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, thực tế khách quan và chưa xem xét đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba ngay tình là Sacombank.
Bởi Sacombank đã cho vay, nhận thế chấp công khai, hợp pháp. Các hợp đồng thế chấp nhà đất 185 Hai Bà Trưng đều đảm bảo về nội dung, được công chứng, đăng ký thế chấp đầy đủ tại chính các cơ quan có thẩm quyền như UBND, Sở TN&MT…
Sacombank là bên nhận thế chấp ngay tình. Theo đó, ngân hàng phải được pháp luật bảo vệ và quan hệ thế chấp không bị vô hiệu. Trường hợp xem nhà đất 185 Hai Bà Trưng là vật chứng thì khoản vay của ngân hàng phải được ưu tiên thu hồi khi xử lý vật chứng theo quy định tại thông tư liên tịch số 06/1998.
Luật sư cũng cho rằng cấp sơ thẩm đã đưa Sacombank vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng không giải quyết quyền lợi hợp pháp của Sacombank, mà lại tuyên tách quan hệ giữa Công ty Diệp Bạch Dương, Sacombank, VAMC và các bên có liên quan khác là chưa phù hợp với quy định và không đảm bảo tính toàn diện, triệt để khi xét xử.
Đề nghị xem xét áp dụng bồi thường nhà nước đối với Sacombank
Ngoài ra, luật sư cho rằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhà đất 185 Hai Bà Trưng được cấp cho Công ty Diệp Bạch Dương, không phải cá nhân bà Diệp. Cho nên việc kê biên nhà đất 185 Hai Bà Trưng của Công ty Diệp Bạch Dương khi mà công ty không phải là bị can, bị cáo, pháp nhân phạm tội là chưa phù hợp.
Bản án sơ thẩm xác định có hành vi sai phạm, Nhà nước có thiệt hại nhưng lại không áp dụng nguyên tắc người có hành vi gây thiệt hại phải bồi thường, mà nhận định rằng do quyền sử dụng đất tại số 185 Hai bà Trưng đã được thu hồi nên HĐXX xác định thiệt hại của vụ án xem như đã được khắc phục nên không buộc bị cáo Diệp phải bồi thường là không khách quan.
Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX sửa phần nội dung bản án sơ thẩm theo hướng hủy bỏ lệnh kê biên đối với nhà đất 185 Hai Bà Trưng, để Sacombank có cơ sở đề nghị TAND TP.HCM tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng tín dụng sớm thu hồi nợ vay.
Trong mọi trường hợp xử lý nhà đất 185 Hai Bà Trưng thì phải ưu tiên thanh toán nghĩa vụ tín dụng theo các hợp đồng tín dụng cho Sacombank trước các nghĩa vụ khác, kể cả nghĩa vụ phải bồi thường, hay thu hồi khắc phục hậu quả cho Nhà nước.
Nếu các đề nghị trên không được áp dụng, thì đề nghị xem xét và ấn định việc bồi thường Nhà nước đối với thiệt hại của Sacombank nếu có việc thu hồi tài sản thế chấp 185 Hai Bà Trưng trong vụ án hình sự này.
Bà Dương Thị Bạch Diệp: ‘Nếu tôi lừa đảo thì hãy tử hình tôi đi, chung thân là quá nhẹ’