Bà Dương Thị Bạch Diệp tại tòa – Ảnh: TUYẾT MAI
Luật sư nói bà Diệp không thế chấp nhà 57 Cao Thắng cho Agribank
Bào chữa cho bà Dương Thị Bạch Diệp, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng các tài liệu Agribank cung cấp không thể chứng minh là có việc thế chấp.
Bởi nhà 57 Cao Thắng không thể cùng lúc bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ khi đã bảo đảm cho khoản vay 14.000 lượng thì lại bảo đảm cho tổng nghĩa vụ 67.000 lượng như lập luận của Agribank. Cam kết thế chấp số 999 là một cam kết đơn phương, chứ không phải chứng cứ chứng minh là có việc thế chấp.
Nếu bà Diệp có thế chấp và mượn giấy chứng nhận từ ngân hàng để thực hiện các thủ tục thì hồ sơ phải có các biên bản giao nhận giấy chứng nhận từ kho của ngân hàng vì đây là thủ tục bắt buộc, nhưng hồ sơ hoàn toàn không có nên theo luật sư, về bản chất hoàn toàn không có việc thế chấp nhà 57 Cao Thắng. Bản thân bà Diệp từ năm 2018 đã liên tục yêu cầu Agribank trả lại nhà 57 Cao Thắng do không có thế chấp.
Luật sư cho rằng thực chất nhà 57 Cao Thắng không bảo đảm cho bất kỳ khoản vay nào cả. Vì công nợ của Công ty Diệp Bạch Dương được xác định là 67.000 lượng vàng, trong khi 6 tài sản thế chấp khác tại ngân hàng theo định giá của chính Agribank đã là 95.931 lượng. Vì vậy, nhà 57 Cao Thắng không cần phải thế chấp để đảm bảo cho tổng dư nợ 67.000 lượng. Agribank cũng đã giải chấp 5 tài sản khác của Công ty Diệp Bạch Dương trong quá trình thực hiện các hợp đồng tín dụng, nên có thể thấy nhà 57 Cao Thắng thực chất không đảm bảo cho khoản vay nào khác của Agribank.
Về phần mình, UBND TP đã xác lập sở hữu nhà nước đối với nhà đất 57 Cao Thắng và thực tế đang được Trung tâm Ca nhạc nhẹ sử dụng. Nhà nước không bị thiệt hại khi hoán đổi, Agribank cũng biết và đồng ý việc hoán đổi 2 căn nhà trên.
Luật sư cho rằng trong vụ án, quan hệ thế chấp tài sản của Công ty Diệp Bạch Dương (nếu có) không làm mất đi tư cách chủ sở hữu. Hiện UBND TP đã xác lập sở hữu nhà nước đối với 57 Cao Thắng và 185 Hai Bà Trưng. Thực tế nhà 57 Cao Thắng hiện nay Trung tâm Ca nhạc nhẹ vẫn đang quản lý và sử dụng hiệu quả từ nguồn tiền gần 30 tỉ đồng của Công ty Diệp Bạch Dương và bà Diệp đầu tư. Do đó, bản án sơ thẩm cho rằng Nhà nước đã mất quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với tài sản 185 Hai Bà Trưng có giá trị 186 tỉ đồng là không có căn cứ.
Bà Diệp một mực kêu oan
Từ đó, luật sư cho rằng không đủ căn cứ kết tội bà Diệp lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đề nghị HĐXX tuyên bà Diệp không phạm tội. Bản án sơ thẩm xác định bà Diệp không phải bồi thường số tiền bị coi là chiếm đoạt do hậu quả đã được khắc phục toàn bộ, nhưng vẫn tuyên mức án chung thân là trái với chính sách hình sự.
Trong trường hợp cần thận trọng nhằm đảm bảo tiếp cận sự thật khách quan, luật sư đề nghị HĐXX hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.
Về mặt pháp lý và trên thực tế, tài sản nhà nước không bị mất đi và không bị chiếm đoạt, quyền xác lập giá trị quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất thuộc về Nhà nước, nên bà Diệp không có cơ hội và không thể chiếm đoạt tài sản 185 Hai Bà Trưng.
Trong trường hợp này, Công ty Diệp Bạch Dương và bà Diệp có yêu cầu hủy việc hoán đổi tài sản, liên quan các tranh chấp phát sinh trong quan hệ tín dụng với Agribank và tổ chức tín dụng khác. Nếu không hòa giải, tìm kiếm được phương án giải quyết, Agribank hoặc tổ chức tín dụng khác có quyền khởi kiện theo trình tự tố tụng dân sự ra tòa án để giải quyết tranh chấp phát sinh.
Bào chữa bổ sung, bà Dương Thị Bạch Diệp khẳng định bà bị oan.
“Nếu tôi lừa đảo thì hãy tử hình tôi đi, chung thân là quá nhẹ đối với tôi” – bà Diệp nói.
Vụ hoán đổi đất trái luật: VKS đề nghị y án chung thân với bà Dương Thị Bạch Diệp