Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô nêu nội dung trên tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Quốc phòng về chống Covid-19, sáng 23/3.
Theo ông, quá trình thực hiện nhiệm vụ cách ly công dân về từ vùng dịch thời gian qua có nhiều khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh lực lượng quân y của Bộ tư lệnh thủ đô rất mỏng.
“Một số du học sinh ở khu vực châu Âu là con cháu gia đình có điều kiện, nên khi về đến sân bay Nội Bài có biểu hiện thiếu hợp tác với cơ quan chức năng. Công an, an ninh hàng không gần như phải cưỡng chế lên xe mới đưa được những thanh niên này về khu cách ly”, tướng Duyệt nói và cho biết, nhiều trường hợp đã đề nghị cho cách ly tại khách sạn.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tư lệnh thủ đô cho rằng cấp có thầm quyền cần thống nhất không cách ly người Việt Nam về nước tại các khách sạn. “Chúng ta không đủ nhân lực y bác sĩ để hàng ngày đến các khách sạn kiểm tra sức khoẻ, kiểm soát người bị cách ly và đề phòng lây nhiễm”, ông Duyệt nói và cho rằng, chỉ trường hợp bất khả kháng, khi các đơn vị quân đội, bệnh viện dã chiến, khu lưu trú, ký túc xá… không còn thì mới sử dụng đến khách sạn xa khu dân cư để cách ly.
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt. Ảnh: CTV
Với thành phố Hà Nội, ông Duyệt cho hay “kiên quyết không để công dân vào cách ly tại khách sạn, vì sẽ sinh ra so sánh giữa người có tiền và không có tiền, gây bất ổn trong xã hội”.
Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Quốc phòng, yêu cầu bộ đội tăng cường giải thích chủ trương cách ly tập trung cho người dân hiểu và chia sẻ, đây là “biện pháp bắt buộc theo chỉ đạo của Chính phủ, nhằm mục đích tốt cho bản thân mỗi người, gia đình và cộng đồng”.
“Quân đội có trách nhiệm lo cho toàn dân, mọi người nên ủng hộ và tự giác chấp hành, không thể xin cách ly chỗ này chỗ kia, hay xin về cách ly ở gần nhà”, ông nói.
Cùng ngày, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, các thành viên Ban chỉ đạo bàn giải pháp trước hết ưu tiên cơ sở lưu trú, khách sạn để cách ly có thu phí đối với người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ; các chuyên gia làm việc tại dự án quan trọng ở Việt Nam.
Với trong nước, Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương quyết liệt ngăn chặn tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng. Lực lượng công an, y tế cơ sở phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, để xác minh những người nhập cảnh từ nước ngoài và người tiếp xúc gần với người nhiễm nCoV để cách ly, theo dõi y tế; hoàn thành trước 12h ngày 25/3.
Khách sạn Sam Grand được TP Đà Nẵng chọn làm nơi cách ly du khách nước ngoài nhập cảnh trước 14/3. Ảnh: Xuân Tiến
Theo Bộ tư lệnh thủ đô, những ngày qua áp lực với bộ đội thủ đô làm nhiệm vụ cách ly công dân rất lớn, khi cự ly hành quân khá xa, đơn vị xa nhất là sư đoàn 390 của Quân đoàn 1 với khoảng 150 km. Ngoài ra, các chiến sĩ còn phải vận chuyển công dân đến Hải Dương, Hưng Yên và Quân khu 3, các tỉnh trên địa bàn Quân khu 2, Quân khu 1; tần suất hoạt động liên tục khi có ngày cao điểm phải vận chuyển xuyên đêm, số lượng gần 1.700 công dân.
Bộ đội cũng đang đối mặt với nguy cơ lây nhiễm khi Bộ Tư lệnh thủ đô tổ chức 5 điểm cách ly, nhưng 4 điểm đã ghi nhận ca dương tính, một điểm hôm nay lấy mẫu xét nghiệm. Ngoài thực hiện nhiệm vụ tổ chức cách ly, các đơn vị quân đội còn phải huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Việt Nam hiện đang cách ly gần 53.000 người; trong đó 1.376 người cách ly tại bệnh viện, 21.119 người cách ly tập trung tại cơ sở khác; 30.295 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Đến chiều 22/3, có 145 khách sạn từ 2 đến 5 sao trên cả nước đăng ký làm nơi cách ly chống Covid-19, theo thống kê của Tổng cục Du lịch.
Ngày 20/3, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn nêu rõ, nếu người thuộc diện phải cách ly có nguyện vọng cách ly tại khách sạn thì phải trả phí lưu trú và các dịch vụ khác. Thời gian là 14 ngày từ khi nhập cảnh hoặc tiếp xúc lần cuối với người nghi nhiễm nCoV. Sau đó, Bộ Y tế có văn bản gửi các địa phương, đề nghị chỉ áp dụng cách ly tại khách sạn với người nước ngoài gồm chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao…