Các sự kiện được đề nghị dừng tổ chức gồm: Lễ Phục sinh trong Công giáo và Tin lành; lễ Phật đản trong Phật giáo; Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer; đại hội nhiệm kỳ của Hội thánh Cao Đài; hội nghị thường niên của Hội đồng tinh thần tôn giáo Baha’i và Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa…
Ban Tôn giáo Chính phủ khuyến cáo các tổ chức tôn giáo không cử người tham gia hoạt động ở nước ngoài; không đón tiếp chức sắc đến từ những nơi có dịch; tăng cường giảng lễ, thuyết pháp trực tuyến để tránh tập trung đông người.
Anh Lukman, 44 tuổi đang đọc kinh Koran (Qu’ran) trong giờ kinh trưa 12, tại thánh đường Hồi giáo 101, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, ngày 19/3 . Ảnh: Việt Quốc.
Các cơ sở tôn giáo có nguy cơ lây nhiễm nCoV phải được thông báo đến nhà chức trách để dừng hoạt động và khử khuẩn. Tín đồ và người dân khi tham gia hành lễ phải đeo khẩu trang. Tín đồ người Việt Nam ở nước ngoài không về nước trong thời gian có dịch, nếu thật cần thiết phải nhập cảnh thì buộc khai báo y tế, cách ly.
Ban tôn giáo Chính phủ kêu gọi các tổ chức tôn giáo huy động tuệ tĩnh đường, phòng thuốc nam, phòng y tế… tham gia chống dịch.
Hồi đầu tháng 2/2020, Thủ tướng yêu cầu dừng tất cả lễ hội chưa khai mạc trong cả nước, lễ hội đang diễn ra phải giảm quy mô… để phòng chống Covid-19. Sau đó, nhiều lễ hội lớn ở miền Bắc như Tam Chúc, Yên Tử, đền Trần… không tổ chức lễ khai mạc.
Đến chiều 20/3, Việt Nam ghi nhận 91 người nhiễm nCoV, trong đó 17 người đã khỏi bệnh. Các ca bệnh xâm nhập chủ yếu từ châu Âu và Mỹ, sau đó lây lan cộng đồng.