Bốn loại thuốc tiềm năng điều trị Covid-19 | Nội Thất Hưng Thịnh Phát
1
Nội Thất Hưng Thịnh Phát Kính Chào! vui lòng để lại lời nhắn để được tư vấn

Bốn loại thuốc tiềm năng điều trị Covid-19

Thông thường, việc phát triển một loại thuốc mới mất nhiều năm liền. Song với nỗ lực của giới chuyên gia, tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận danh sách 4 loại thuốc kháng virus tiềm năng điều trị Covid-19. Danh sách có tên gọi Solidarity bao gồm: thuốc điều trị Ebola Remdesivir, tổ hợp thuốc kháng HIV/AIDS lopinavir và ritonavir, tổ hợp thuốc khác giữa lopinavir và ritonavir cộng thêm interferon beta (thuốc chữa đa xơ cứng) và thuốc sốt rét Chloroquine.

Remdesivir là thuốc tiêm tĩnh mạch phát triển bởi công ty công nghệ sinh học Gilead Sciences, được báo cáo là một ứng cử viên tiềm năng. Các nhà khoa học trên thế giới đang tiến hành 5 thử nghiệm lâm sàng để kiểm chứng độ an toàn và hiệu quả của nó đối với virus. Kết quả của hai trong số đó sẽ có vào tháng 4.

Thuốc lần đầu được sử dụng với mục đích nhân đạo cho các bệnh nhân nghiêm trọng ở Trung Quốc và mở rộng đến các nước khác vào tháng 2. Song nhà sản xuất sau đó đã tuyên bố ngừng phân phối bởi nhu cầu sử dụng nhân đạo quá lớn.

Thuốc Remdesivir được sử dụng thử nghiệm trong một bệnh viện ở Vũ Hán ngày 12/2. Ảnh: Newscom

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, Remdesivir có thể bất hoạt và ngăn ngừa virus nhân lên. Song các nhà khoa học cần tiến hành thêm các thử nghiệm lâm sàng để xác định tính hiệu quả và an toàn của thuốc.

Theo thông tin trên trang web của WHO, các thử nghiệm trước đây trên bệnh nhân Ebola cho thấy tác dụng phụ là nhiễm độc gan.

Chuyên gia virus Jeremy Rossman, Đại học Kent của Anh cho biết đây có thể là liệu pháp tiềm năng, song còn quá sớm để kết luận liệu Remdesivir có sử dụng được rộng rãi hay không.

Một loại thuốc khác được chú ý trong thời gian gần đây là Chloroquine sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập trong một bài đăng chính thức trên trang Twitter cá nhân. Ông Trump sau đó đã bị chỉ trích vì tuyên bố cường điệu này.

Tháng 2 năm nay, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, dẫn đầu bởi Wang Manli cho biết chloroquine có thể ngăn ngừa nCoV nhân lên trong tế bào người được nuôi cấy.

Thuốc đã được đưa vào hướng dẫn điều trị Covid-19 của Trung Quốc. Viện sĩ Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu về bệnh hô hấp tại nước này cho rằng thuốc tương đối an toàn vì đã được phê chuẩn điều trị sốt rét.

Các kỹ thuật viên tiến hành đóng gói thuốc Chloroquine. Ảnh: Sipa USA

Tuy nhiên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết cần thử nghiệm kỹ càng hơn để xác định tính an toàn và độ hiệu quả của nó.

“Chloroquine có tác dụng tốt đối với người mắc bệnh sốt rét, nhưng với virus lại là cơ chế hoàn toàn khác. Bằng chứng về việc chloroquine có thể kháng virus hay không còn chưa vững chắc và cần nghiên cứu thêm. Ở một số loại virus được thử nghiệm, chloroquine thậm chí làm bệnh trở nặng hơn trên mô hình động vật”, tiến sĩ Rossman cho biết.

Trong thời gian gần đây, người dân ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm Việt Nam đổ xô đi mua chloroquine để ngăn ngừa Covid-19. Các chuyên gia cảnh báo, việc tự sử dụng thuốc một cách bừa bãi là vô cùng nguy hiểm. Vừa qua, một người đàn ông 60 tuổi ở Mỹ đã tử vong sau khi uống chloroquine phosphate loại làm sạch bể cá có thành phần tương tự thuốc sốt rét chloroquine.

Lopinavir và ritonavir là tổ hợp thuốc điều trị HIV/AIDS. Dù đã đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu gần đây lại cho thấy thuốc không có hiệu quả ở các ca bệnh nặng. Công trình được xuất bản trên Tạp chí Y khoa New England, dẫn đầu bởi Phó chủ tịch Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc-Nhật Bản Cao Bin.

Các nhà khoa học đưa ra kết luận sau khi so sánh diễn tiến sức khoẻ của 99 bệnh nhân được trị bằng thuốc kháng HIV với 100 người khác chỉ được chăm sóc tiêu chuẩn.

Trong khi đó, Nhật Bản đã tiến hành thử nghiệm thuốc cảm cúm Favipiravir trên 340 bệnh nhân ở thành phố Vũ Hán và Thâm Quyến, Trung Quốc. Kết quả cho thấy thuốc có độ an toàn cao và hiệu quả rõ ràng trong việc điều trị.

Song các nhà khoa học cũng cho rằng cần thực hiện thêm nghiên cứu trước khi tiến hành thử nghiệm lâm sàng.

Favipiravir không nằm trong danh sách Solidarity của WHO.

Thục Linh (Theo SCMP)

Bác sĩ khuyến cáo dân không tích trữ thuốc sốt rét

Chết do uống hóa chất giống thuốc sốt rét ngừa Covid-19

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.