40% dân số thế giới thiếu 'vũ khí' chống Covid-19 | Nội Thất Hưng Thịnh Phát
1
Nội Thất Hưng Thịnh Phát Kính Chào! vui lòng để lại lời nhắn để được tư vấn

40% dân số thế giới thiếu ‘vũ khí’ chống Covid-19

Trong bối cảnh nhiều quốc gia áp dụng phong tỏa, hạn chế đi lại, áp đặt kiểm dịch, đóng cửa trường học, châu Âu trở thành trung tâm đối phó dịch Covid-19 của thế giới, các chuyên gia ngày càng lo ngại với công tác phòng chống dịch của các nước đang phát triển – nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe còn yếu kém.

Khi nhiều nước châu Âu săn lùng máy thở thì ở châu Phi, hành động rửa tay, một trong những việc làm cơ bản nhất mỗi cá nhân có thể áp dụng để bảo vệ bản thân phòng nCoV, là việc làm khó thực hiện với hàng triệu người.

Sam Godfrey, Giám đốc về Nước và Vệ sinh tại Đông, Nam Phi, cho biết nhiều cộng đồng gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn nước sinh hoạt, không mua được xà phòng, hoặc không nhận ra tầm quan trọng của việc rửa tay để ngăn ngừa dịch bệnh.

“Hiểu biết về tầm quan trọng của việc rửa tay là thách thức, ngay cả với các nhân viên tuyến đầu, nhân viên y tế”, Sam Godfrey nói. “Những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tại Đông và Nam Phi đều từ nước ngoài về. Dịch Covid-19 ở châu Phi do đó gần giống một ‘căn bệnh của người giàu’, tất nhiên cuối cùng những người nghèo sẽ gánh hậu quả nhiều nhất”.

Người dân sống trong các khu ổ chuột chật chội và số lượng lớn người tị nạn trong các trại, khu đô thị tại khu vực Sừng châu Phi là hai nhóm đặc biệt dễ nhiễm bệnh. Bởi, họ thường sinh hoạt thiếu an toàn vệ sinh, nhiều người có thể đang gặp vấn đề suy dinh dưỡng, các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Người dân tại khu vực châu Phi được đo nhiệt độ cơ thể. Ảnh: AFP

Theo UNICEF, 63% người dân thành thị khu vực châu Phi hạ Sahara (258 triệu người) không được tiếp cận với việc rửa tay, Trung và Nam Á có 22% (153 triệu người).

Từ hôm 19/3, người dân khu ổ chuột Mathare, thủ đô Nairobi, Kenya, đã không còn để tâm tới nguy cơ mắc Covid-19.

“Đã bao giờ bạn thấy một người dân từ khu ổ chuột điều trị Covid-19 tại bệnh viện chưa? Đó là căn bệnh của riêng người giàu”, Ishmail Ayegah, một thợ sửa xe đạp nói.  

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về hậu quả tàn khốc tiềm tàng của Covid-19, đại dịch đang đẩy cả những quốc gia giàu có tới đường cùng.   

“Covid-19 đang lây lan sang những quốc gia thu nhập thấp, chúng tôi rất quan ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh tại những vùng dân cư vốn có tỷ lệ người nhiễm HIV hoặc trẻ suy dinh dưỡng cao”, Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO phát biểu.

Sharon Lewin, Giám đốc Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty tại Melbourne, Australia, cho rằng đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật “sự khác biệt đáng kinh ngạc”giữa các hệ thống y tế toàn cầu.

“Chúng ta thậm chí còn chưa chứng kiến Covid-19 sẽ diễn biến như thế nào tại các khu vực ở châu Á, như Indonesia, Ấn Độ và châu Phi”, Sharon nói.

UNICEF đang phân phối nguồn cung cho một triệu người. Song, Sam cho biết trong bối cảnh việc nhập nguồn cung từ Trung Quốc và Ấn Độ gặp khó khăn do nhiều quy định mới được đưa ra, bổ sung hàng hóa trở thành một thách thức với các nước nhập khẩu xà phòng.

Xà phòng có thể đã xuất hiện trong cuộc sống con người từ hàng thế kỷ trước. Các chuyên gia y tế cho biết rửa tay bằng xà phòng vẫn là cách hiệu quả và tiết kiệm nhất loại bỏ virus, vi khuẩn, bụi bẩn khỏi hai bàn tay.

Xà phòng tách rời virus khỏi làn da. Xà phòng có thể phá vỡ cấu trúc của nCoV, theo Evariste Kouassi-Komlan, Giám đốc khu vực về Nước, An toàn vệ sinh tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, UNICEF. “Nhiều người chỉ rửa tay với nước thì chưa đủ để tiêu diệt virus”, ông nói.

Nước sát khuẩn tay chứa cồn cũng có thể được dùng để tiêu diệt nCoV, nhưng không có tác dụng chống lại tất cả mầm bệnh. Evariste cũng khuyên chỉ nên sử dụng nước sát khuẩn chứa cồn như một biện pháp thay thế khi không có xà phòng và nước.

Sam Godfrey cho biết ở Indonesia và Philippines, phần lớn người dân sống trong khu ổ chuột tại các đô thị, số ca Covid-19 đang tăng. UNICEF đang tập trung hỗ trợ những quốc gia chưa có các chương trình vệ sinh cơ bản như Lào, Triều Tiên.

Trong khi Covid-19 đang là một thách thức lớn với các quốc gia đang phát triển, các tổ chức viện trợ, cộng đồng tại châu Phi có thể rút ra bài học từ việc giải quyết các dịch bệnh lớn trước đó như Ebola, dịch tả.

Khi dịch Ebola bùng phát, người dân Congo chạm khuỷu tay để chào hỏi nhau thay vì bắt tay như trước.

Nhân viên của Bộ Y tế Kenya hướng dẫn người dân cách dùng nước rửa tay phòng chống Covid-19. Ảnh: AFP

“Tức là việc chào hỏi bằng cách chạm khuỷu tay đã được xã hội chấp nhận. Mọi người không cần phải chạm vào lòng bàn tay của người đối diện, tránh lây truyền virus qua tiếp xúc”, Sam Godfrey nói. “Cái bắt tay Ebola đã trở thành cái bắt tay corona”.

Các chuyên gia hy vọng thông qua dịch bệnh lần này, chính phủ các nước sẽ tập trung hơn vào vấn đề vệ sinh, đồng thời nhấn mạnh thông điệp rửa tay có thể cứu mạng người.

Ở Kenya, quốc gia có đông đảo người tị nạn và dân thành thị nghèo, hashtag #SanitizersForSlums (#Nước-rửa-tay-cho-các-khu-ổ-chuột) đang là xu hướng trên mạng xã hội Twitter.

Nhưng một số người khác dường như vẫn chưa bị thuyết phục.

Scholarstica Atieno, người bán cá tại khu ổ chuột Mathare, cho biết với anh rửa tay là không cần thiết.

“Chúng tôi không quan tâm đến nước sát khuẩn tay, bởi chúng tôi chưa bao giờ chết vì không sử dụng nước sát khuẩn. Rửa tay với chúng tôi là việc làm không cần thiết”, Scholarstica nói.

Đại dịch Covid-19 đã xuất hiện ở 188 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 304.000 người nhiễm, trong đó hơn 13.000 người tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố đây là đại dịch toàn cầu và kêu gọi các nước tăng cường biện pháp ứng phó.

Lê Hằng (Theo AFP)

Vì sao Covid-19 ít ảnh hưởng đến châu Phi?

Cách làm nước rửa tay khô sát khuẩn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.