Theo quyết định, thời gian xảy ra dịch là 23/1, khi xác định người đầu tiên mắc nCoV. Đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A và nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.
Việt Nam thực hiện 10 nhóm biện pháp ứng phó theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, như lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch; khai báo, báo cáo dịch; tổ chức cấp cứu, khám chữa bệnh; cách ly y tế; kiểm soát ra vào vùng có dịch; huy động nguồn lực và hợp tác quốc tế chống dịch…
Các nhân viên y tế trạm xét nghiệm nhanh Covid-19 họp bàn phương án lấy mẫu bệnh phẩm người dân sáng 31/3. Ảnh: Giang Huy
Trước đó ngày 1/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố dịch, tuy nhiên lúc này cả nước chỉ có 6 người mắc bệnh, 3 địa phương có dịch là Khánh Hòa, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa. Lần này Thủ tướng công bố dịch trên toàn quốc (hiện 25 tỉnh, thành ghi nhận có người nhiễm nCoV).
Cùng với quyết định công bố dịch, hôm qua 31/3, Thủ tướng đã ra chỉ thị về cách ly toàn xã hội để ứng phó với Covid-19.
Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định Thủ tướng công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe người dân.
Luật này quy định cấp độ cao hơn là ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch. Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.
Hiện Việt Nam ghi nhận 212 bệnh nhân Covid-19, trong đó 60 người đã khỏi bao gồm 2 người ở Ninh Thuận ra viện sáng 1/4.