Nhật ký giãn cách: Sài Gòn ơi, ngày mai sẽ nắng đẹp
1
Nội Thất Hưng Thịnh Phát Kính Chào! vui lòng để lại lời nhắn để được tư vấn

Nhật ký giãn cách: Sài Gòn ơi, ngày mai sẽ nắng đẹp

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng vẫn thấy một Sài Gòn kiên cường, không gục ngã và có niềm tin sẽ chiến thắng…
Nhật ký giãn cách: Sài Gòn ơi, ngày mai sẽ nắng đẹp (Bài 3) - Ảnh 1.

Sài Gòn vắng lặng dưới góc chụp của nghệ sĩ, nhiếp ảnh Lý Võ Phú Hưng.

Nói quen thì không đúng nhưng đã không còn cảm giác chơi vơi, chống chếnh mỗi ban mai không tiếng ồn ào người xe dưới phố, không còn the thắt đến thảng thốt khi chiều buông. Đường phố giờ đây thênh thang vắng đến lạnh cả từng ngã ba ngã tư, không còn xao xác buồn vời vợi nhìn phố như hóa thạch trong cơn mưa giông mờ mịt giăng lưới.

Và hình như đã có lúc cảm giác như trái tim không còn loạn nhịp khi nghe tiếng còi xe cấp cứu, dù mỗi ngày vẫn chứng kiến mấy lần xe chạy ngang qua nhà. Hay nỗi đau đã như bị ghim lại sâu thẳm, để âm thầm, xót xa chảy nước mắt khi cuối ngày nghe thông tin những con số lạnh lùng đến tê buốt tâm can, để ngậm ngùi thương đến thắt ruột thành phố của mình đang trong cơn bạo bệnh.

Khu nhà tôi ở là một “chốt bảo vệ vùng xanh”- vùng không có dịch, gần Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn – Trung tâm cấp cứu của khu trung tâm thành phố, một tháng nay đã thành bệnh viện thu dung chữa trị bệnh nhân Covid-19. Còn nhớ những ngày mới chuyển đổi, trong một ngày tôi đã bao lần bần thần khi thấy những chiếc xe mang dấu hồng thập tự từ từ lăn ra chậm rãi thinh lặng, biết rằng trên mỗi xe đã có một người mãi mãi ra đi vì Covid-19. Buồn mênh mang khi nghĩ về họ.

Tưởng như có thể chìm trong những cảm xúc làm chùng người, nhưng không, ở một chiều khác của thành phố, trong những buồn đau, trong thương khó của những hao hụt, hanh hao cả tinh thần lẫn vật chất, có biết bao nhiêu câu chuyện nghĩa tình, đã vực dậy những năng lượng tích cực trong tôi. Để thấy một Sài Gòn kiên cường, không gục ngã, và luôn có niềm tin sẽ chiến thắng.

Chuyện “nóng” và mới trong ngày gần đây, NSƯT Quyền Linh đã dùng chính tiền dành dụm của mình mua gạo cứu trợ các nghệ sĩ trong Hội Điện ảnh, Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh. Không chỉ là cái tình tương thân tương ái đã thành truyền thống của các nghệ sĩ thành phố, mà còn là tình “bầu ơi thương lấy bí cùng”, không thể để bất cứ nghệ sĩ nào bị “thiếu đói” trong lúc này.

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội: Ngày 2/9 nếu không siết chặt giãn cách, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất lớn

Trước đó, là câu chuyện “nhường cơm xẻ áo”, “lá lành đùm lá rách” của các nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Từ sáng kiến của Ban Sáng tác, Hội Nhà văn TP. HCM, một cuộc quyên góp nho nhỏ từ các nhà văn và bạn đọc, để có hơn 30 phần quà hỗ trợ các nhà văn lớn tuổi, gặp khó khăn trong dịch giã, như nguồn khích lệ nhau cố gắng vượt qua những thời khắc khó khăn này, để rồi sẽ ghi nhớ lại trên những trang viết của mình.

Hay câu chuyện về nữ CEO 8X của một Công ty sự kiện đã “tả xung hữu đột”, trực tiếp làm tình nguyện viên suốt đầu mùa dịch, không quản những nguy hiểm khi có thể bị lây nhiễm, và còn trực tiếp mua hàng hóa thiết yếu tặng đồng bào những khu phong tỏa, khu cách ly tập trung… với tâm niệm mình đang cùng chia sẻ, để cùng nương tựa, đoàn kết, chung tay chung sức trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Khi tôi viết những dòng này là cô ấy đang lo điều phối 1.500 thùng mì gói để tặng cho người dân, trước đó là 30 tấn gạo mua từ miền Tây về thành phố cứu trợ cho hàng ngàn gia đình đang bị “dứt bữa”, chưa kể cô còn tìm nhiều nguồn khác nhau để có thể mua được các vật tư y tế tặng cho các bệnh viện dã chiến, các khu cách ly, mà theo cô là để giúp các y bác sĩ phục vụ tốt hơn việc chữa bệnh…

Nhật ký giãn cách: Sài Gòn ơi, ngày mai sẽ nắng đẹp (Bài 3) - Ảnh 3.

Hình ảnh Sài Gòn vắng lặng dưới góc chụp của nghệ sĩ, nhiếp ảnh Lý Võ Phú Hưng.

Hơn hai tháng qua, mỗi ngày Sài Gòn có biết bao câu chuyện nghĩa tình. Hàng trăm ngàn nghĩa cử mỗi ngày, không đường phố nào ở Sài Gòn không có dấu ấn của những việc nghĩa tình. Những suất ăn từ thiện, thùng khẩu trang, đôi găng tay, phiên “chợ 0 đồng”, trở thành chút hành động nhỏ giữa mùa dịch. Mỗi câu chuyện là một vẻ đẹp lấp lánh, tạo năng lượng tích cực, để cho những u ám bệnh dịch không làm chùn bước người dân thành phố.

Vài ngày nay, ở Sài Gòn có một cụm từ nghe rất vui: “Túi an sinh”. Những chiếc túi an sinh đã đến tay nhiều người dân thành phố. Có thể nói đây là nghĩa cử thương yêu “một miếng khi đói bằng một gói khi no” của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhằm kịp thời hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, công nhân ở trọ… đang gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong mỗi chiếc túi an sinh gồm có 10 kg gạo, mì gói và thực phẩm, nước tương, nước mắm, dầu ăn, bột nêm, đường, thuốc thông dụng, khẩu trang, viên Vitamin C, dầu gió, thuốc hạ sốt… Thành phố cũng đã tổ chức các nhóm đến trao tận tay túi an sinh cho từng hộ gia đình 2 – 4 người hoặc phòng trọ 4 người sử dụng ít nhất trong một tuần, riêng những hộ  F0, F1 sẽ nhận thông qua “Tổ Covid-19 cộng đồng”.

Chiếc túi không lớn nhưng chứa đựng biết bao ân tình, sẽ tiếp sức bao người vượt qua những ngày khó khăn trong cuộc sống. Cùng với 445 mô hình của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp tại TP. Hồ Chí Minh được nhân rộng thành hơn 4.000 mô hình chăm lo cho người dân, chăm lo cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, và 1 triệu túi an sinh chính là điểm sáng đầy niềm tin về những ứng xử nhân ái, như cam kết của Đảng bộ cơ quan chính quyền thành phố để không ai bị bỏ lại phía sau, không để hộ gia đình nào thiếu đói…

Chắc chắn TP. Hồ Chí Minh sẽ chiến thắng bệnh dịch. Đó không chỉ là niềm tin mà còn là niềm tự hào về Sài Gòn – Thành phố chưa khi nào lùi bước trước bất cứ hiểm nguy khó khăn nào trong lịch sử. Và những ngày này, cũng sẽ được ghi vào lịch sử thành phố để mãi nhiều năm sau người dân Sài Gòn vẫn nhớ đến những khoảnh khắc thời gian thương khó này.

Sài Gòn ơi! Ngày mai sẽ nắng đẹp. Chợt nhớ đầu đợt dịch thứ 4, khi Sài Gòn mới bước vào những ngày giãn cách đầu tiên, khi một khu dân cư bị phong tỏa, UBND phường Tân Hưng Thuận (Q.12, TP.HCM) đã tặng cây táo để thi trồng cây. 12 hộ dân trong khu phong tỏa xem cây như đứa con tinh thần và đó như một thông điệp của tươi xanh, của hy vọng, an lành không chỉ của cư dân khu phố đó mà còn là của Thành phố.

Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm bao ưu phiền

Hy vọng đã vươn lên trong lo sợ mùa chinh chiến

Hy vọng đã vươn lên trong nhục nhằn tràn nước mắt

Hy vọng đã vươn dậy như làn tên, đang rực lên, trong màn đêm…”

(Ca khúc Hy vọng đã vươn lên  – Nguyễn Đức Quang)

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.