“Ngày nào cũng xem ti vi nên tình hình dịch bệnh trên cả nước tui biết rõ lắm. May khẩu trang tặng người dân là việc vừa sức, coi như tui góp phần cùng cả nước chống dịch”, mẹ Ngô Thị Quýt kể, trong khi vẫn cắm cúi vào chiếc máy khâu. Đã 95 tuổi nhưng mắt mẹ còn rất tốt nên ngày ngày vẫn tự mình xỏ kim, đạp máy.
Từ ngày nhận thêm việc may khẩu trang, mẹ Quýt có cảm giác mình trẻ lại, tinh thần vui vẻ, hăng hái làm việc. Ảnh: Diệp Phan.
Chị Phan Thị Hồng Đào, chi hội trưởng Hội phụ nữ khu phố 6, phường 5, quận Gò Vấp kể, từ hai tháng qua, Hội đã có phong trào may khẩu trang và phát miễn phí cho người dân chống dịch. Năm ngày trước, trong lúc cắt may khẩu trang, hội thiếu cây kéo nên sang nhà mẹ Quýt mượn. Biết công việc của hội, mẹ Quýt bảo: “Để tui giúp một tay”.
Vậy là mẹ một mực bảo chị Đào về nhà lấy vải, rập giấy sang hướng dẫn mình may khẩu trang. Đã 21 năm may vỏ chăn tặng người nghèo nên mẹ Quýt có sẵn kim chỉ, máy may và kéo. Công việc mới này không khó với người lành nghề như mẹ.
“Đất nước gặp dịch bệnh, tui sẵn có nghề may, làm ra khẩu trang tặng mọi người là tui thấy vui, không có gì là mệt”, mẹ Quýt chia sẻ.
Mẹ Ngô Thị Quýt là người gốc Huế, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, có chồng và con trai hy sinh trong chiến tranh. Thời con gái, mẹ từng may quần áo phục vụ các chiến sĩ. Khi đất nước hòa bình, các con đã lớn và ổn định cuộc sống, mẹ lại giúp đỡ người nghèo bằng việc may vỏ chăn từ thiện.
Ba năm trước, khi sức khỏe còn tốt, biết ở đâu có vải thừa, mẹ đi xe ôm đến tận nơi để xin về may vỏ chăn. May xong, biết người nào có hoàn cảnh khó khăn, mẹ lại mang đến tặng. Những năm gần đây sức khỏe giảm dần, mẹ không còn đi xa nữa, tuy nhiên công việc may vỏ chăn vẫn duy trì hàng ngày.
Mẹ Quýt cắt vải theo rập có sẵn sau đó tự tay may thành từng chiếc khẩu trang. Ảnh: Diệp Phan.
Anh Võ Quang Thủy (con trai mẹ Quýt) kể, từ ngày nhận thêm việc may khẩu trang hôm nào mẹ cũng ngồi đến tận khuya. Có hôm trời chưa sáng đã nghe tiếng đạp máy may lạch cạch.
Mẹ Quýt không nhớ rõ mình đã may được bao nhiêu chiếc khẩu trang trong những ngày qua. Cứ cắt vải rồi may, hoàn thiện sản phẩm lại cột lại thành chồng lớn để cán bộ Hội phụ nữ đến lấy về giặt, ủi. Cứ như vậy, những chiếc khẩu trang mẹ may cũng đã kịp đến tay những người khó khăn.
“Hễ hết vải chưa kịp mang đến là mẹ Quýt lại giục. Nhưng sợ mẹ ham việc ảnh hưởng đến sức khỏe, thỉnh thoảng chị em trong hội lại nói đùa ‘Hết vải rồi má ơi”’, chị Đào chia sẻ.
Khác với may vỏ chăn, việc may khẩu trang đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo vì có những chi tiết nhỏ. Việc tập trung và để ý từng đường kim mũi chỉ khiến mắt mẹ Quýt nhanh mỏi.
Hai hôm nay chị Đào quyết định chỉ để mẹ phụ giúp công đoạn cắt vải. “Mấy cô mạnh tay thì cắt một lần ba bốn lớp vải, tui sức yếu thì chỉ cắt một lớp. Cũng như trong thời buổi dịch bệnh này, ai có nhiều giúp nhiều, tui tuổi già thì giúp chút ít”, mẹ Quýt nói.
Diệp Phan