Hiểm họa từ các phòng thí nghiệm cấp cao | Nội Thất Hưng Thịnh Phát
1
Nội Thất Hưng Thịnh Phát Kính Chào! vui lòng để lại lời nhắn để được tư vấn

Hiểm họa từ các phòng thí nghiệm cấp cao

Viện nghiên cứu virus Vũ Hán có công trong việc phát hiện ra nguồn gốc của nCoV hồi đầu năm nay. Đây là một thành tựu trong cuộc đua công nghệ cao, bao gồm cả công nghệ sinh học. Tuy nhiên do ở vị trí nhạy cảm, cơ quan này liền hứng tin đồn là nơi phát tán ra virus chết người. 

Tin đồn dù được bác bỏ, song các chuyên gia về an toàn sinh học nhất trí rằng việc có thêm nhiều phòng thí nghiệm cấp cao sẽ làm tăng nguy cơ tai họa. Các quốc gia trên toàn thế giới đang chạy đua để thành lập những phòng thí nghiệm xử lý các mầm bệnh nguy hiểm, vốn trước kia chỉ được lưu trữ ở một vài nơi như Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC).

Các nhà khoa học làm việc tại phòng thí nghiệm BSL-4 Vũ Hán trong bộ đồ bảo hộ. Ảnh: AFP

Viện nghiên cứu Vũ Hán đạt mức An toàn sinh học cấp 4 (BSL-4), có nghĩa nó có khả năng lưu trữ các mầm bệnh nguy hiểm nhất được biết tới đối với con người. Theo mô tả của CDC là “thường gây chết người và không có cách chữa trị hoặc vắc xin phòng ngừa”.

Mặc dù công nhận không có điều luật quốc tế nào về an toàn sinh học, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hai năm trước đã thống kê tới 54 phòng thí nghiệm tương tự ở 24 quốc gia. Trong đó có 31 phòng thí nghiệm ở mức BSL-4, cùng 12 phòng khác đang trong giai đoạn xây dựng.

Các phòng thí nghiệm chuẩn BSL-4 thường trang bị hệ thống phòng vệ quốc gia và hợp tác với quân đội sở tại. Cơ sở vật chất bao gồm các phòng niêm phong kín, hệ thống thông gió đặc biệt và quy trình nghiêm ngặt đối với các nhà khoa học. Họ cũng phải mặc những bộ đồ bảo hộ thùng thình như trong những bộ phim Hollywood.

Phòng thí nghiệm ở Vũ Hán được thiết kế bởi nhà thầu quân đội theo yêu cầu của quân đội Trung Quốc và được chứng nhận nội địa. Tại đây các nhà khoa học đã nghiên cứu HIV, Ebola và bây giờ là Covid-19 với mục đích đóng góp vào công tác phòng chống và kiểm soát những loài vi sinh có khả năng gây bệnh cao.

Tiến sĩ James W. Le Duc, nguyên là chuyên gia về An toàn sinh học cho CDC và điều hành một cơ sở kiểm soát sinh học tại Đại học bang Texas ở Galveston, nói rằng ông đã đào tạo cho hai nhà khoa học từ trung tâm ở Vũ Hán. Đồng thời nhóm kỹ sư của ông cũng đã tới thăm Trung Quốc và tư vấn cách để vận hành và đảm bảo an toàn cho phòng thí nghiệm.

Tuy nhiên cẩn thận như thế nào thì vẫn có thể xảy ra những tai nạn. CDC báo cáo vào năm 2014, các ống thí nghiệm chứa virus Ebola sống tại phòng BSL-4 ở Atlanta bị xáo trộn và đưa nhầm sang phòng ít an toàn hơn. May mắn là không ai mắc bệnh. Đây cũng là trung tâm đạt BSL-4 lớn nhất của CDC, với diện tích hơn 8800m2 và kinh phí xây dựng gần 480 triệu USD.

Bắc Kinh mất ba tháng để báo cáo dịch SARS bùng phát với WHO và trong thời gian đó, đã có hàng nghìn người mắc bệnh ở Hong Kong, Đài Loan và Việt Nam.

Lần này, chỉ trong vòng 4 ngày từ khi nhận mẫu bệnh Covid-19 vào ngày 30/12, Viện Vũ Hán đã hoàn thành việc giải trình tự gene và khẳng định đây là mầm bệnh hoàn toàn mới, có liên quan mật thiết tới dơi và một khu chợ tại địa phương.

Kể từ đó, Viện đã theo dõi diễn tiến dịch bệnh, thử nghiệm trên động vật và nghiên cứu vaccine. Do chủng virus mới có độc tính thấp hơn so với một số các loài vi sinh khác, những trung tâm như CDC đã liệt nó ở dưới cấp 4 để mở rộng điều kiện nghiên cứu hơn.

Do phản ứng chậm chạp của chính quyền Trung Quốc tương tự thời dịch SARS mà những tin đồn có cơ hội phát tán. Niềm tin cho rằng nCoV xuất phát từ Viện nghiên cứu virus Vũ Hán rộ lên sau khi tướng Chen Wei, chuyên gia cấp cao về vũ khí sinh học được cử tới đây và Botao Xiao, chuyên gia về ADN đào tạo tại đại học Northwestern, cho rằng virus chết người xuất phát từ một phòng thí nghiệm Vũ Hán.

Các chuyên viên bên trong phòng thí nghiệm tại Viện nghiên cứu Vũ Hán. Ảnh: AFP

Báo cáo của ông Xiao chỉ dài hơn một trang, bày tỏ những luận điểm mơ hồ như vị trí phòng thí nghiệm, bằng chứng về việc các nhà nghiên cứu thu thập hàng ngàn con dơi và bị chúng cắn, đồng thời cũng không thông qua bình duyệt bởi các chuyên gia khác. Tuy nhiên các tờ báo không chính thống của Anh vẫn dẫn lời tiến sĩ Xiao càng làm tin đồn lan rộng.

“Thuyết âm mưu không có ý nghĩa gì ngoài gieo rắc nỗi sợ hãi, những tin đồn và định kiến làm tổn hại tới nỗ lực toàn cầu chống lại virus”, theo khẳng định của hơn 20 nhà nghiên cứu về virus trong một lá thư gửi tới tạp chí Y khoa Lancet.

Tuần trước, ông Xiao nói với tờ Wall Street Journal rằng ông đã rút lại báo cáo.

“Lập luận về nguồn gốc có thể của virus dựa vào các báo cáo được công bố và truyền thông, không phải bằng chứng trực tiếp”, ông viết trong một email ngắn hôm 26/2.

Các chuyên gia về an toàn sinh học vẫn đang lo ngại về hiểm nguy từ sự phát triển nhanh chóng của các phòng thí nghiệm BSL-4. Một hội nghị giữa các chuyên gia 2 năm trước tại Pháp đã cho thấy “sự không tin tưởng nhất định giữa các trung tâm có tiếng và những cơ sở mới thành lập”, theo ghi chép trong báo cáo dài 66 trang về hội nghị của WHO. Báo cáo cho hay “Các phòng thí nghiệm BSL-4 cần tăng cường hình ảnh công chúng bằng việc công bố dữ liệu ghi chép về mức độ an toàn và bảo mật xuất sắc của họ. Đồng thời nhận thức được một sự việc xảy ra ở bất cứ đâu, dù tốt hay xấu, đều có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tất cả các trung tâm khác trên toàn thế giới”.

Linh Phan (Theo WSJ)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.