Bệnh nhân Vũ Hán chật vật trở lại cuộc sống | Nội Thất Hưng Thịnh Phát
1
Nội Thất Hưng Thịnh Phát Kính Chào! vui lòng để lại lời nhắn để được tư vấn

Bệnh nhân Vũ Hán chật vật trở lại cuộc sống

Lu vẫn tự cách ly tại nhà, vợ ông đang ở trong một trung tâm kiểm dịch. Bà phải trở lại bệnh viện bởi nhận được kết quả dương tính lần thứ hai.

Cặp vợ chồng trung niên đến từ Vũ Hán, thành phố miền trung Trung Quốc, nơi ghi nhận những trường hợp Covid-19 đầu tiên. Họ đã tự mình chiến đấu với những cơn sốt dai dẳng trong thời điểm khó khăn nhất của thành phố, vào khoảng cuối tháng 1 và đầu tháng 2, khi các bệnh viện ở trong tình trạng quá tải.  

Là một nhân viên văn phòng có cuộc sống cơ bản, Lu tin rằng ông đã lây bệnh từ người vợ 42 tuổi của mình. Bà nhiễm virus ở siêu thị nơi mình làm việc vào cuối tháng 1.

“Khách hàng và cả nhân viên đều không đeo khẩu trang. Chúng tôi lúc đó không có đủ thông tin và chẳng nghĩ tình hình lại nghiêm trọng đến vậy. Có lần, tôi đeo khẩu trang khi đi tàu điện ngầm và mọi người xung quanh đều ngạc nhiên. Họ cứ nhìn chằm chằm”, ông Lu kể lại.

Một bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh viện Jinyintan, thành phố Vũ Hán đang thăm khám cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: EPA / EFE

Ngay cả khi đổ bệnh ngày 26/1, cặp vợ chồng vẫn không ngờ nguyên nhân là Covid-19, chỉ cho rằng mình mắc bệnh cảm lạnh thông thường.  

“Chúng tôi đã sống qua thời kỳ dịch SARS năm 2002 và 2003. Ổ dịch chủ yếu là ở Quảng Đông và Bắc Kinh, nhưng con số này rất nhỏ. Lúc đó, với tôi nó giống một vụ cuớp hay cái gì đó tương tự. Dịch bệnh ở rất xa, chỉ thấy trên TV. Chưa khi nào tôi nghĩ một ngày nó sẽ tìm đến chính gia đình mình”, ông nói.

Mãi đến 10/2, hai tuần sau khi phát hiện các triệu chứng đầu tiên, cặp vợ chồng mới được chẩn đoán nhiễm Covid-19 và phải nhập viện điều trị. Tới lúc đó, ông Lu đã sốt suốt 13 hôm.  

“Ngày qua ngày, tôi phải ở nhà vì không có giường bệnh trống. Cứ như thể chờ đợi cái chết vậy”, ông nói.

Quá trình xét nghiệm và trả kết quả cũng mất tới ba ngày.

“Lúc đấy không có nhiều kit kiểm tra, chỉ khoảng 200 chiếc mỗi ngày. Chúng tôi tự hỏi làm thế nào mình có may mắn được sử dụng?”, ông kể lại.

Cân nặng và tình trạng huyết áp của ông Lu cũng khiến bác sĩ lo lắng. Một tuần sau khi nhập viện, ông gặp phải những vấn đề chưa từng thấy trước đây như viêm cơ tim hay rối loạn chức năng gan, triệu chứng phổ biến ở nhiều bệnh nhân Covid-19.  

May mắn, vì được điều trị với phác đồ phù hợp, ông đã khỏi bệnh.

“Cơ thể tôi trở lại như trước khi bị nhiễm virus. Cho đến nay, tôi không cảm thấy nôn nao hay chịu tác dụng phụ nào của thuốc”, ông nói.

Ông Lu đã kết thúc thời gian tự cách ly 28 ngày theo quy định, sức khoẻ bình thường trở lại. Tuy nhiên ông vẫn không thể đi bất cứ đâu bởi “mã y tế” trên hệ thống còn hiển thị màu đỏ. Đây là loại mã QR được nhà chức trách Trung Quốc tạo cho bệnh nhân mắc Covid-19, ghi lại trạng thái sức khoẻ. Màu đỏ biểu thị mức độ rủi ro cao và yêu cầu hạn chế di chuyển.  

“Về lý thuyết, đáng lẽ mã của tôi nên màu xanh rồi mới phải. Tôi chẳng thể đi đâu cả”, ông nói.

Ông Lu phải đặt hàng trực tuyến nhu yếu phẩm hàng ngày và được giao đến tận nhà.

Vợ ông Lu Ming xét nghiệm dượng tính sau khi đã xuất viện và phải trở lại cơ sở y tế để cách ly. Ảnh: Handout

Ông cũng được làm thêm một số xét nghiệm axit nucleic trong giai đoạn cách ly. Tuy nhiên ông muốn chụp cắt lớp phổi và làm thêm xét nghiệm máu để hoàn toàn chắc chắn mình không còn nhiễm virus. Song “mã y tế” vẫn màu đỏ đồng nghĩa với việc ông phải ở trong nhà. 

Biểu hiện của vợ ông ít nghiêm trọng hơn, song những trải nghiệm của bà cũng vô cùng phức tạp. Bà phải ở nhà 18 ngày kể từ khi bị ốm và nhập viện trong khoảng hai tuần. Sau khi điều trị, bà xuất viện, nhưng có kết quả dương tính lần hai, lại trở về cơ sở y tế trong 16 ngày, hiện đang tiếp tục cách ly.

“Cô ấy thực sự đã hồi phục rất tốt. Kết quả chụp cắt lớp không cho thấy dấu hiệu tổn thương phổi. Nhưng virus lại không biến mất”, Lu nói.

Theo quy định, người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh được đưa vào các trung tâm kiểm dịch để theo dõi sức khoẻ. Sau khi trở về nhà, bệnh nhân phải tự cách ly thêm hai tuần nữa.  

“Điều này đáng lẽ không xảy ra nếu các chuyên gia cảnh báo sớm hơn về căn bệnh. Mọi chuyện có thể đã khác đi, không ảnh hưởng quá lớn và gây tổn thất nhiều cho đất nước hoặc người dân như bây giờ”, ông nói, đề cập đến những tuyên bố của chính phủ Trung Quốc trong những ngày đầu của dịch bệnh, rằng virus không thể truyền từ người sang người.

Kể khi dịch bệnh khởi phát, Trung Quốc có tổng cộng 81.740 trường hợp dương tính và hơn 3.000 ca tử vong. Hơn 77.000 bệnh nhân đã khỏi hẳn. Khoảng 1.200 ca bệnh đang tiếp tục điều trị, 211 trong số đó là ca bệnh nghiêm trọng đến nguy kịch.

Những bác sĩ trụ lại sau cùng với bệnh nhân nặng

Thục Linh (Theo SCMP)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.