Tiếng gáy con gà trống làm "dậy sóng" nước Pháp | Nội Thất Hưng Thịnh Phát
1
Nội Thất Hưng Thịnh Phát Kính Chào! vui lòng để lại lời nhắn để được tư vấn

Tiếng gáy con gà trống làm “dậy sóng” nước Pháp

Rồi một thừa phát lại đã tới tận nơi, tiếp theo là các luật sư, rồi báo chí Pháp và thế giới cùng vô cuộc, khiến cả nước Pháp dậy sóng dư luận với phiên tòa phán xử… tiếng gáy của Momo.

Bà Corinne Fesseau với chú gà trống Maurice (tức Momo) ở phía trước tòa án thị trấn Rochefort hôm 4-7 năm 2019 – Ảnh: AFP

Vì Momo chẳng phải là… gà mái

Mọi chuyện rắc rối bắt đầu từ tháng 7-2017, khi con gà Momo bắt đầu cất được tiếng gáy đặc quyền của lũ gà trống.

“Người ta đã tặng con gà cho tôi hồi năm 2015, cả họ và tôi đều tưởng đó là… gà mái – bà Corinne Fesseau, chủ của Momo, nói – Khi gà biết gáy, tôi đã nhanh chóng cảnh báo với lối xóm và tôi hẳn đã cách ly nó nếu nhận được nhiều vụ khiếu nại”.

Nhưng đúng là chỉ duy nhất vợ chồng ông Biron bên hàng xóm là không chịu nổi tiếng gáy chào bình minh của Momo, dù hằng năm họ chỉ đôi lần tới đảo Oléron nghỉ mát. Còn bà Fesseau là “dân cựu” ở Saint-Pierre trên đảo Oléron, thuộc tỉnh Charente-Maritime của Pháp.

Trong khi đó, vợ chồng nhà Biron sống ở Limoges (tỉnh Haute-Vienne) đã tới đảo Oléron xây ngôi nhà thứ hai của họ. Phòng ngủ và phòng khách của họ cách chuồng gà nhà bà Fesseau 3m, có một bức tường cao ngăn cách giữa hai nhà.

Thoạt đầu, nhà Biron gởi thơ khiếu nại tới tòa thị trưởng. Sau đó, vào năm 2018 đã xuất hiện một viên thừa phát lại tới tận nơi vào ba buổi sáng liên tiếp quay video cảnh gà trống Momo gáy.

Vợ chồng nhà Biron đã yêu cầu tòa án phạt bà Fesseau số tiền 1.000 euro để bồi thường thiệt hại cho những “phiền toái về tiếng ồn”, cộng thêm toàn bộ án phí cùng số tiền phạt 150 euro mỗi ngày trong trường hợp con gà Momo cứ lì lợm gáy sáng.

Để bảo vệ việc được nuôi gà Momo, bà Fesseau đã nộp một bản kiến nghị vào ngày 12-7-2017, tới nay đã thu được 119.447 chữ ký ủng hộ, trong đó có rất nhiều người địa phương và cả thị trưởng Christophe Sueur của Saint-Pierre-d’Oléron.

Chú gà thành “ngôi sao” báo chí

“Trong 80 người sống ở quanh tôi, chỉ có vợ chồng Biron phàn nàn. Chúng tôi chẳng biết gì về họ. Họ chỉ tới đảo hai lần một năm – bà Fesseau, “khổ chủ” của gà trống Momo, nói với kênh France 3 – Còn tôi đã ở đây 35 năm!”.

Tuy vậy, rốt cuộc vợ chồng bà Corinne Fesseau đã bị triệu tập ra tòa vì một khiếu nại pháp lý của đôi vợ chồng hàng xóm. Tức mình, bà Fesseau đã dọa sẽ đem theo con gà trống Momo của bà cùng tới dự phiên tòa ở thị trấn Rochefort.

Theo báo The New York Times của Hoa Kỳ, Momo đã trở thành “một ngôi sao trên thế giới” và… không thể bị buộc tội.

Hôm 4-7-2019, quả thật bà Fesseau đã bồng “ngôi sao” Momo tới tòa án. Và không chỉ nhiêu đó, vì trước sân tòa còn có một số người như bà Patricia Vozel (61 tuổi) cùng con gái Aurélia (40 tuổi) cũng bồng lũ gà trống và gà mái của họ tới đó để ủng hộ bà Fesseau – người đã trở thành biểu tượng của cuộc sống nông thôn bị đe dọa.

“Ở nông thôn, những con gà trống gáy và đó cũng là lý do tại sao chúng tôi sống ở đó – bà Patricia Vozel, chủ của 12 gà trống và 80 gà mái, người sợ rằng một ngày kia chúng cũng trở thành “vấn đề” với chòm xóm của bà, nói – Hàng xóm gần nhất của tôi không hề thấy phiền với tiếng ồn của đàn gà nhà tôi. Nhưng nếu cô ấy dọn nhà đi mất, ai có thể cam đoan rằng tôi sẽ không bị rơi vô hoàn cảnh như của bà Fesseau?”.

Nhà chăn nuôi Aurélia Schaan-Vozel – người đã mang tới sân tòa con gà giò tí hon Pompadour và gà trống khổng lồ tên Jean-René, cả hai cũng rất nổi tiếng – nói: “Chúng tôi tới đây để ủng hộ bà Fesseau, vì chúng tôi sợ rằng bản án bất lợi cho bà sẽ trở thành một án lệ trong tương lai”.

“Cuộc chiến” giữa các luật sư

(Tổng hợp từ các báo Pháp Le Monde, Le Point, Le Parisien và 20 Minutes)

Phiên tòa đã diễn ra dù cả ông và bà Biron – bên nguyên đơn – đều vắng mặt.

Luật sư Vincent Huberdeau của vợ chồng ông Biron nói rằng tuy họ không phải là “dân bản địa”, nhưng không phải vì vậy mà trở thành “công dân hạng hai” của đảo Oléron, nên họ có quyền khiếu nại về tiếng ồn gây phiền toái, “như nó có thể do một con gà trống, một con chó, tiếng kèn xe hoặc âm nhạc gây ra”.

Ông cũng nhấn mạnh: “Đó không phải là trường hợp người thành phố chống lại nông thôn”, mà chỉ là “một vụ kiện về ô nhiễm âm thanh”.

Rồi luật sư Huberdeau nêu lên câu hỏi trọng tâm trong vụ xử này rằng khu vực mà hai bên đang sống là thành thị hay là nông thôn?

Ông nói: “Saint-Pierre là thị trấn lớn của đảo Oléron với gần 7.000 dân vào mùa đông và 35.000 dân vào mùa hè. Thân chủ của tôi sống trong một khu vực dân cư được địa phương quy hoạch. Đó không phải là nông thôn”.

Trang bị của khách sạn – tranh của họa sĩ Úc Toons (Toonpool)

“Tôi thấy choáng váng! – ông Julien Papineau, luật sư của nhà Fesseau, đáp lại – Tôi có ấn tượng rằng chúng ta không sống trên cùng một hành tinh vậy. Tôi không chắc rằng phía nguyên đơn có ý muốn mua một căn nhà phố trên đảo Oléron. Nơi đó là khu vực nông thôn điển hình trên đảo. Họ ở nông thôn, điều đó không cần phải bàn cãi”.

Rồi ông nói tiếp: “Mọi người đều cười, nhưng phía sau chúng ta có một vấn đề nghiêm túc”.

Ông Papineau đã lưu ý tòa nên chú ý tới một sự “thiếu vắng” vì luật pháp phải xử theo bằng chứng, song ở đây chẳng có bằng chứng nào ngoài một báo cáo của viên thừa phát lại vào năm 2018 – người đã ba ngày liền ghi hình gà trống gáy: Momo chỉ gáy hai lần vào lúc 6h41 và gáy liên tục tới 7h00, sau đó không gáy nữa.

“Và theo biên bản được lập ra, đó là một tiếng ồn đáng chú ý. Đáng chú ý, nghĩa là không làm chát tai – luật sư Papineau phân tích – Vậy có gây ồn chăng? Có. Vậy có là bất thường chăng? Không. Như thân chủ của tôi đã đi hỏi khắp xung quanh, chẳng có ai nói là tiếng con gà ấy gáy là không thể chịu đựng nổi”.

Ông Papineau nhấn mạnh rằng dù sao bà Fesseau cũng đã cố gắng chỉnh sửa chuồng gà sao cho có thể giảm tiếng gà gáy tới mức có thể được. Ông đề nghị tòa bác yêu cầu của phía nguyên đơn.

Kết luận của tòa Rochefort sẽ chỉ được đưa ra sau hai tháng nữa, công bố vào ngày 5-9 năm nay.

Chống tiếng ồn hay chống… hồn quê?

“Hôm nay là con gà trống, nhưng ngày mai sẽ thêm gì nữa? Mòng biển chăng? Tiếng ồn của gió chăng? Hay cả cách phát âm của chúng tôi?” – ông Christophe Sueur, thị trưởng Saint-Pierre-d’Oléron, nói với Hãng tin AFP.

Vụ kiện tiếng gáy của gà trống Momo cũng đã khiến ông Bruno Dionis du Séjour – một thị trưởng ở vùng tây nam nước Pháp – viết một bức thư ngỏ đầy giận dữ hồi tháng 5-2019 nhằm bảo vệ quyền của những tiếng chuông nhà thờ, tiếng bò và tiếng lừa kêu, tiếng chim hót… vang khắp vùng nông thôn nước Pháp.

Tiếng chuông nhà thờ từng gây ra “trận chiến năm 2018” ở một ngôi làng tại Doubs, miền đông nước Pháp, khi chủ sở hữu một ngôi nhà nghỉ mát phàn nàn rằng việc nhà thờ gióng chuông hằng ngày lúc 7 giờ sáng là “quá sớm”.

Đáp lại, thị trưởng Bruno Dionis du Séjour, vốn là nông dân đã nghỉ hưu, nói: “Khi quý vị chỉ trích tiếng chuông, quý vị đã tấn công cả một ngôi làng”.

“Thật nhục nhã cho những người dân nông thôn khi thấy mình bị gọi ra tòa chỉ vì một người tới từ nơi khác – ông nói thêm – Khi tôi vào thị trấn, tôi đâu có yêu cầu họ loại bỏ đèn giao thông và xe hơi”.

Ông cũng từng phải làm việc trong một trường hợp xảy ra ở vùng Perigord hồi năm 2016, khi một cặp vợ chồng buộc phải lấp cái ao của họ chỉ vì một lời phàn nàn của hàng xóm – những người ở thành phố về nghỉ mát – đối với… tiếng ếch kêu quá ồn vào mùa ếch cặp đôi, sinh sản.

Trong bức thư ngỏ tới các nghị sĩ hồi tháng 5-2019, thị trưởng Bruno Dionis du Séjour đã yêu cầu Chính phủ Pháp công nhận âm thanh của vùng nông thôn nước Pháp như một phần của di sản quốc gia, nhằm ngăn chặn bất kỳ xu hướng nào trong tương lai muốn cấm “những tiếng ồn” đó.

Hữu Thiện

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.