Hai tháng sau khi Covid-19 xuất hiện, tại các công viên ở thủ đô Tokyo cuối tuần qua, nhiều người đổ xô tới ngắm hoa anh đào. Những người khác kéo đến các ngôi đền cầu phúc, trong khi nhà hàng, quán bar chật kín khách hàng.
Ở phía bắc Tokyo, một sự kiện võ thuật được tổ chức ở nhà thi đấu nổi tiếng Saitama Super Arena hôm 22/3 đã thu hút khoảng 6.500 người, bất chấp lời kêu gọi hạn chế khách tham dự của chính quyền địa phương. Một ngày trước đó, hơn 50.000 người kéo tới Sendai, phía bắc thủ đô Tokyo, để xem buổi lễ đón ngọn đuốc Olympic vừa được rước về từ Hy Lạp.
Người dân Tokyo đi ngắm hoa anh đào tại công viên Ueno hôm 24/3. Ảnh: AP.
Nhật Bản đã tránh được giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, nhưng những gì diễn ra ở Tokyo cuối tuần trước là minh chứng cho điều mà nhiều chuyên gia cảnh báo từ lâu: Mọi người có thể thực hiện cách biệt cộng đồng trong vài tuần, nhưng họ cuối cùng sẽ chán ngấy với việc ở lì trong nhà và một mẩu tin tốt dù là nhỏ nhất cũng được biến thành cái cớ để họ mạo hiểm ra ngoài.
Đây không phải dấu hiệu tốt cho thấy châu Âu và Mỹ có thể duy trì được cách biệt cộng đồng trong nhiều tháng để đánh bại Covid-19. “Tôi rất lo ngại rằng mọi người sẽ thấy mệt mỏi và chủ quan. Họ không thể duy trì cuộc sống bị hạn chế, bó hẹp trong thời gian dài”, Kentaro Iwata, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Kobe, nhận định.
Nhật Bản là một ngoại lệ khó hiểu trong đại dịch. Mặc dù chiến dịch xét nghiệm được tiến hành hạn chế trong những tuần đầu dịch bùng phát và có thời tiết lạnh lý tưởng cho Covid-19 lây lan, quốc gia này vẫn tránh được sự bùng nổ số ca nhiễm nCoV như những gì xảy ra ở Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ.
Nhật Bản ghi nhận thêm 38 ca nhiễm mới hôm 23/3, nâng tổng số người nhiễm lên 1.140, trong đó 42 ca tử vong, không bao gồm số ca bệnh của Diamond Princess, du thuyền bị cách ly ở cảng Yokohama suốt nhiều tuần hồi tháng 2 với hàng trăm người dương tính với nCoV.
Dù nhờ may mắn hay bằng thực lực, Nhật Bản cũng đã tránh được “đòn giáng” đầu tiên trong cuộc chiến với Covid-19. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng đất nước này không phải bất khả chiến bại.
“Tôi thực sự lo ngại về tình hình hiện nay ở Nhật Bản. Đợt bùng phát dịch đầu tiên gần như đã được kiểm soát, nhưng đợt thứ hai chỉ vừa bắt đầu. Covid-19 có thể diễn tiến nghiêm trọng hơn và chúng ta sẽ có thêm nhiều đợt bùng phát mới, trong đó sẽ có những đợt rất lớn”, Hitoshi Oshitani, giáo sư virus học tại Đại học Y Tohoku và là thành viên nhóm chuyên gia cố vấn của chính phủ, cho biết.
Một số nhà phê bình cho rằng Nhật Bản đã né tránh nhìn thẳng vào tình hình thực tế của dịch, nhằm tránh thiệt hại kinh tế vì đóng cửa hoặc giảm nguy cơ phải hoãn hoặc hủy Thế vận hội Tokyo 2020. Nỗ lực này bất thành khi Olympic và Paralympic đã bị hoãn tới hè 2021, thay vì tổ chức vào đầu tháng 7 năm nay như dự kiến, sau phiên họp tối 24/3 giữa Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Một số chuyên gia cho rằng với việc chỉ xét nghiệm những người bị sốt kéo dài và có triệu chứng nghiêm trọng, chính phủ Nhật đã không thể thống kê chính xác số người nhiễm thực tế, khiến người dân có cảm giác an toàn giả tạo và đất nước lơ là cảnh giác.
“Chính phủ đã vẽ ra một bức tranh vô cùng lạc quan, nên mọi người không thấy được dịch bệnh này đáng sợ tới mức nào. Nếu chỉ nhìn vào những con số đó, mọi người dĩ nhiên sẽ thấy chủ quan”, Masahiro Kami, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Quản trị Y tế ở thủ đô Tokyo và là người kêu gọi chính phủ tăng cường quy mô xét nghiệm nCoV, nói.
Nhưng Oshitani và Itawa cũng thừa nhận chính phủ đã sáng suốt khi tập trung nguồn lực và khả năng xét nghiệm cho những ca bệnh nặng. Đó là điều cần thiết để cân bằng giữa các biện pháp quyết liệt và bền vững.
Chuyên gia Iwata cũng nói thêm mỗi vùng nên có quyết định riêng về mức độ triển khai các biện pháp cách biệt cộng đồng dựa trên khả năng của họ, bởi việc kiểm soát nghiêm ngặt không thể được duy trì quá lâu và chỉ nên được áp dụng khi cần thiết nhất. Ở các thành phố như Osaka và Kobe, nơi số người nhiễm nCoV đang tăng, nhiều người dân vẫn quyết định ở nhà.
Nhiều người cầu nguyện khi theo dõi buổi lễ rước đuốc Olympic ở thành phố Fukushima hôm 24/3. Ảnh: AP.
Nhưng đó không phải lời bào chữa cho những gì đang xảy ra ở Tokyo, Saitama và Sendai cuối tuần trước, nhiều nhà phê bình khẳng định. Họ phàn nàn về vai trò lãnh đạo của Thủ tướng Abe, người chưa làm gì nhiều để mọi người thấy được tầm quan trọng của cách biệt cộng đồng và dường như chỉ đóng vai trò hậu thuẫn cho Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato.
“Ông Abe chưa ra mặt trong các tình huống như này. Trong suốt cuộc khủng hoảng y tế hiện tại, ông ấy vẫn ‘mất tích'”, Jeff Kingston, giáo sư Đại học Temple ở Tokyo, nói.
Tại thủ đô Tokyo, một số người đang làm việc từ xa, nhưng các tuyến tàu điện ngầm vẫn chật ních người trong giờ cao điểm. Masahiro Kami lo rằng chính phủ có vẻ đang đặt lợi ích kinh tế lên trên sức khỏe cộng đồng.
Liệu thói quen của người Nhật Bản, đeo khẩu trang và cúi đầu chào hỏi thay vì bắt tay, có giúp làm chậm tốc độ lây lan của Covid-19 hiện vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Nhưng thói quen tốt sẽ không thể bảo vệ Nhật Bản nếu bắt đầu chủ quan, đặc biệt trước làn sóng gia tăng số ca nhiễm “ngoại nhập” từ châu Âu và Mỹ, các chuyên gia nhận định.
Oshitani cho biết ông hy vọng chính phủ hành động kiên quyết hơn trong tuần này để hạn chế tiếp xúc xã hội, vì thấy được tình hình đang trở nên nghiêm trọng thế nào.
“Kẻ thù của chúng ta là sự lạc quan. Tôi không muốn trở thành kẻ lạc quan ngu ngốc mà muốn là người bi quan khôn ngoan”, Kumi Miyake, chủ tịch Viện Chính sách Đối ngoại, dẫn câu nói của tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt trong diễn văn tuyên thệ nhậm chức năm 1933 rằng “chỉ một người lạc quan ngu ngốc mới phủ nhận thực tế đen tối vào thời điểm này”.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)