Lựa chọn nghiệt ngã của y bác sĩ Mỹ | Nội Thất Hưng Thịnh Phát
1
Nội Thất Hưng Thịnh Phát Kính Chào! vui lòng để lại lời nhắn để được tư vấn

Lựa chọn nghiệt ngã của y bác sĩ Mỹ

Bà mẹ 32 tuổi phải đối mặt với một trong những lựa chọn khó khăn nhất cuộc đời. Một đồng nghiệp tại khu chăm sóc khẩn cấp nơi Patel làm việc xét nghiệm dương tính với nCoV. Thiếu nhân lực, phòng khám muốn điều động Patel đi làm khi cô vẫn còn hai tuần nghỉ thai sản. 

Cô gọi điện cho chồng, bác sĩ khoa cấp cứu Bệnh viện Mercy South ở St. Louis, để bàn luận.

Lúc này, họ không còn cảm thấy mối đe dọa từ nCoV là một điều gì đó xa vời. Dịch bệnh quét qua nước Mỹ, len lỏi vào Missouri, St. Louis. Hai vợ chồng lo sợ một ngày nào đó nó sẽ xuất hiện tại chính căn nhà của họ.

Patel dù sao vẫn phải trở lại làm việc khi kết thúc thời gian nghỉ thai sản. Song hai tuần cuối sẽ rất cần thiết để cô chuẩn bị đầy đủ. Cô cần mua máy hút sữa, nhớ lại các quy tắc bảo đảm an toàn trong công việc, tìm người trông nom con trai lớn 3 tuổi vì mẹ cô đã quá già cho việc này. Tất cả đều cần thời gian. 

Y tá Katie Patel bên cạnh các con của mình tại căn hộ ở thành phố Creve Coeur, Quận St. Louis, Missouri, Mỹ. Ảnh: Washington Post

Dẫu vậy, Patel quyết định đi làm sớm hơn dự kiến để hỗ trợ đồng nghiệp.

“Nếu mắc bệnh, chúng tôi sẽ hy vọng vào điều tốt đẹp nhất”, cô nói.

Đây là tình cảnh nghiệt ngã được hàng nghìn nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 chia sẻ. Dự kiến trong tuần tới, các cơ sở y tế quốc gia sẽ nhận thêm nhiều bệnh nhân. Đội ngũ y bác sĩ hiểu điều này có ý nghĩa gì.

Họ đã đọc được những câu chuyện từ Italy, tâm dịch mới của thế giới, về nhân viên y tế bị lây nhiễm, về những người đã qua đời trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Họ cũng nghe tin tức ở Vũ Hán, nơi có 1/5 trong số các bác sĩ nhiễm Covid-19 rơi vào tình trạng nguy kịch.

Tại Mỹ, hoạt động thường ngày dường như bị đình trệ. Dịch bệnh khiến cho cuộc sống của bác sĩ và y tá áp lực hơn bất cứ ai.

Nhiều người phải làm việc trong tình trạng khan hiếm đồ bảo hộ mà không biết bệnh nhân mắc Covid-19, vì thiếu hụt kit xét nghiệm.

Hàng chục nhân viên y tế nhiễm virus trong những ngày đầu đại dịch, vài người có triệu chứng nghiêm trọng. Tuần này, Đại học Bác sĩ Cấp cứu Mỹ thông báo có hai nhân viên ở tuổi 40 và 70 đang trong tình trạng nguy kịch vì nhiễm nCoV. 

Nhiều người khác thậm chí đã tính đến chuyện lập di chúc, tự tham gia cách ly tạm thời, ngủ trong phòng khách sạn, nhà để xe hoặc tầng hầm với hy vọng sẽ không lây bệnh cho gia đình.

Bác sĩ Jack Iwashyna lựa chọn sống ở tầng hầm, cách ly với vợ và ba con của mình tại thành phố Ann Arbor, bang Michigan, Mỹ. Ảnh: Washington Post

“Chẳng ai hiểu được nhân viên y tế đang trải qua những gì. Thật khó tưởng tượng”, một bác sĩ giấu tên tại Maryland cho biết. Cô được phép làm việc từ xa với nhiệm vụ thăm khám qua điện thoại cho các bệnh nhân. Nữ bác sĩ chỉ ngủ vài tiếng mỗi đêm, ra khỏi phòng vào buổi sáng để nấu ăn. Sau khi rửa tay cẩn thận, cô để bữa ăn cho con mình trên bàn và lại về phòng.

Kể từ tuần trước, cô đã không đến gần lũ trẻ trong bán kính 2 m. Không xoa lưng, không chải tóc và không ôm ấp chúng.

“Không thể mạo hiểm sức khỏe của con mình vì điều này. Chúng tôi đã tuyên thệ để làm công việc của mình, nhưng con cái chúng tôi thì không”, nữ bác sĩ nói. 

Chồng cô, cũng là bác sĩ, đã cân nhắc việc thuê phòng khách sạn ở riêng, nhưng quyết định không làm vậy vì lo ngại lây nhiễm cho các nhân viên và khách hàng khác. Cuối cùng, anh chuyển đến văn phòng của mình để ở và không gặp gia đình đã gần một tuần nay. Dự kiến thời gian tự cách ly kéo dài ít nhất một tháng, có thể lâu hơn nếu anh không may bị bệnh. Giống như nhiều bác sĩ khác, anh vẫn phải làm việc ngay cả khi hết đồ bảo hộ.

Trong khi đó, Roberta Lenoir, 61 tuổi, y tá tại khoa cấp cứu Trung tâm Y tế Mỹ miền Đông Washington vừa nhận cuộc điện thoại quan trọng. Quản lý bệnh viện cho biết một đồng nghiệp bà từng tiếp xúc xét nghiệm dương tính nCoV. Trong những ngày qua, bà đã ở bên cạnh gia đình gồm toàn những người dễ bị tổn thương bởi nCoV, trong đó có người mẹ 89 tuổi từng ghép thận, một chị gái tàn tật, con gái bà vừa hồi phục sau phẫu thuật và một cháu ngoại hai tuần tuổi. Bản thân Lenoir mắc bệnh lupus tự miễn.

“Tôi đã ở nhà ba ngày. Nếu chúng tôi nhiễm bệnh thì đã nhiễm rồi”, bà nói.

Hiện Lenoir chưa có triệu chứng gì. Gia đình bà thường xuyên rửa tay và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh khác. Bà được gọi trở lại bệnh viện để lấy mẫu xét nghiệm cùng các bác sĩ ở diện F1 khác. Hiện bà chờ kết quả và không thể trở lại làm việc cho đến khi chắc chắn mình âm tính nCoV.

Bởi Lenoir là trụ cột gia đình, tự cách ly không phải lựa chọn dễ dàng. Bà vẫn đến các hiệu thuốc và cửa hàng tạp hóa để mua nhu yếu phẩm trong chiếc khẩu trang. Bà hạn chế đi lại và chỉ đến những nơi thực sự cần thiết.

“Nếu bị phong tỏa khoảng hai tuần cho đến một tháng, có rất nhiều thứ chúng ta cần chuẩn bị cho gia đình”, bà nói.

Lenoir cho biết nếu có biểu hiện sốt hoặc các triệu chứng khác, bà sẽ tự cách ly. Song đến ngày 18/3, sức khỏe của bà vẫn ổn.

“Tôi hiểu rằng mọi người đều sợ hãi. Tôi hiểu rất rõ điều đó vì bản thân tôi cũng phát hoảng”, bà chia sẻ. 

Nhưng Lenoir còn một gia đình và cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Bà nôn nóng được trở lại làm việc để giúp đỡ các bệnh nhân nghèo và bệnh nặng trong khu điều trị, những người có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn. 

Y tá Katie Patel và chồng cùng con gái ba tháng tuổi tại nhà riêng ở thành phố Creve Coeur, Quận St. Louis, Missouri, Mỹ. Ảnh: Washington Post

Trong khi đó tại Ohio, y tá Heather Tubbs Cooley và chồng cô, một bác sĩ đã chấp nhận thực tế khốc liệt khi họ chứng kiến Covid-19 quét qua Italy. 

“Nếu anh bắt đầu gặp các bệnh nhân Covid-19, làm sao anh trở về nhà?”, cô hỏi chồng.

Cặp đôi có ba con, tuổi từ 5 đến 12. Anh tiếp xúc chủ yếu với các bệnh nhân đến khoa cấp cứu nhưng chưa được đưa ngay đến phòng chăm sóc đặc biệt. Kể từ đầu mùa dịch, bác sĩ đã thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa có thể để tránh mang virus về nhà. Anh cởi quần áo trong hầm để xe, bỏ chúng vào túi kín, thay đồ mới rồi mới bước vào căn hộ. 

Cooley biết chồng mình đang điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nhưng không rõ số lượng bao nhiêu. 

“Anh ấy không muốn tôi phát hoảng”, cô nói.

Con cái của họ thích nghi khá tốt với tình hình hiện tại. Chúng thường nói về lịch làm việc của bố mẹ, liếc nhìn khi bác sĩ ho húng hắng và hỏi: “Bố ơi, bố có sao không?”.

Tính đến ngày 20/3, Covid-19 lây lan ra 179 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 245.000 người bệnh. Khoảng 10.000 người tử vong, 88.385 bệnh nhân đã hồi phục. Hiện Italy là quốc gia ngoài đại lục có số lượng ca bệnh và tử vong lớn nhất. 

Thục Linh (Theo Washington Post)

Bác sĩ nhiễm nCoV: ‘Họng đau như cắt’

Bác sĩ Italy phải nói dối bệnh nhân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.